Đà sụt giảm mạnh của giá cả hàng hóa và quyết định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua. Theo đó, giá dầu rơi tự do gần 9% và rớt mốc 100 USD/thùng, vàng rớt mốc 1,500 USD/oz, ECB và BOE giữ nguyên lãi suất, ngân hàng trung ương Philippines và Malaysia nâng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát.
Mỹ: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lên mức cao 8 tháng
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 30/04 tăng vọt lên 474,000, mức cao nhất kể từ tháng 8/2010, ngược với dự báo giảm xuống 412,000 của các nhà kinh tế.
Châu Âu: ECB và BOE tạm thời “ngó lơ” lạm phát
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức 1.25%. Việc không sử dụng cụm từ “cảnh giác cao độ” trong nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho thấy ECB sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, ECB có thể nâng lãi suất trở lại vào tháng 7.
Bất chấp thực tế lạm phát hiện đang đứng ở mức 4%, gấp đôi mức trần, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ nguyên lãi suất ở mức 0.5% và quy mô của chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 330 tỷ USD) do mối hoài nghi về đà phục hồi của nền kinh tế sau khi nhận được loạt số liệu ảm đạm trong tuần này.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 của nước này từ 1.5% xuống 1.4% và ước tính GDP 2012 tăng 2%. Văn phòng Ngân sách Anh (OBR) dự báo kinh tế Anh tăng trưởng 1.7% trong năm 2011 và 2.5% trong năm sau. NIESR dự báo giá nhà tại Anh sẽ giảm 10%.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Fernando Teixeira dos Santos cho biết kinh tế nước này sẽ suy thoái trong hai năm 2011 và 2012 với tốc độ suy giảm 2% do các điều khoản trong gói giải cứu trị giá 78 tỷ EUR (tương đương 116 tỷ USD). Được biết, các biện pháp tăng thuế và tư nhân hóa sẽ là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc kinh tế của nước này. Bồ Đào Nha đặt mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức 9.1% như hiện nay xuống mức trần 3% của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013.
Châu Á: Các ngân hàng trung ương châu Á chống chọi với cơn bão lạm phát
Lần thứ 2 trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) nâng lãi suất từ 4.25% lên 4.5% sau khi lạm phát tại nước này tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2010.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay và yêu cầu các ngân hàng nâng dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm nhằm tăng cường các biện pháp chống lạm phát giữa bối cảnh giá thực phẩm và dầu thô tiếp tục tăng vọt. Cụ thể, BNM nâng lãi suất từ 2.75% lên 3% như dự báo của 7/16 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Bên cạnh đó, BNM còn nâng dự trữ bắt buộc từ 2% lên 3% với hiệu lực kể từ ngày 16/05.
Kinh tế Indonesia tăng 6.5% trong quý 1/2011 nhờ sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực tiêu thụ và đầu tư. Trong đó, lĩnh vực đầu tư tăng trưởng 27.3% trong 3 tháng đầu năm. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6.4% và cho rằng lạm phát nhiên liệu và thực phẩm là một vấn đề đáng lo ngại.
Doanh số bán lẻ tháng 3 của Australia bất ngờ sụt giảm 0.5% lần đầu tiên trong 5 tháng, khớp với dự báo của các nhà kinh tế sau khi sụt tăng 0.8% trong tháng trước.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 05/05:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.22% lên 3.26%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng 1.5% so với đồng EUR và đồng đôla Australia, tăng 0.7% so với bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York hạ 33.90 USD/oz (2.2%) xuống 1,481.40 USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 14/04.
Giá bạc sụt phiên thứ 5 liên tiếp với hợp đồng giao bạc tháng 5 giảm 3.15 USD/oz (8%) xuống 36.24 USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 21/03.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn NYMEX lao dốc 9.44 USD/thùng (8.6%) xuống 99.80 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 16/03.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 06/05: Australia - 08h30: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) phát biểu Thụy Sỹ - 24h45: Tỷ lệ thất nghiệp Anh - 15h30: PPI - 16h30: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phát biểu Canada - 18h00: Tỷ lệ thất nghiệp - 20h00: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) phát biểu Mỹ - 19h30: Báo cáo việc làm - 19h30: Tỷ lệ thất nghiệp - 02h00 (ngày 07/05): Tín dụng tiêu dùng |
Nguồn: Vietstock