Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 07/07: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Hy Lạp cắt giảm hơn 40% thâm hụt ngân sách 6 tháng đầu năm và cho biết sẽ tổ chức bán đấu giá tín phiếu vào tuần tới, Tây Ban Nha tiếp tục đạt được thành công trên thị trường trái phiếu, sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu sau chuỗi ngày giảm điểm mạnh, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) huy động được 10.5 tỷ USD trong đợt IPO tại Hồng Kông…là các tiêu điểm kinh tế, tài chính trong ngày thứ Ba 06/07.

Kinh tế Mỹ

Chỉ số dịch vụ của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) giảm từ 55.4 điểm của tháng 5 xuống 53.8 điểm trong tháng 6. Kết quả này thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế đồng thời phản ánh nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Kinh tế châu Âu

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, George Papaconstantinou, hôm thứ Hai 05/07 cho biết nước này đang trên hành trình phục hồi và sẽ cắt giảm 42% thâm hụt ngân sách xuống 8.1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2010. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm Hy Lạp có thể vay mượn trở lại từ các thị trường tài chính vào năm 2011. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, thâm hụt ngân sách nửa đầu năm nay giảm từ mức 19 tỷ euro của cùng kỳ năm ngoái xuống 11.5 tỷ euro (tương đương gần 41%). Theo đó, thâm hụt 6 tháng đầu năm chiếm 4.9% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5.8% của IMF.

Theo các cơ quan truyền thông tại Hy Lạp, nước này sẽ bán đấu giá 4.5 tỷ EUR (tương đương 5.6 tỷ EUR) tín phiếu kho bạc vào tuần tới. Cơ quan quản lý nợ Hy Lạp sẽ có thông báo chính thức về vấn đề này vào cuối tuần. Các nhà phân tích nhận định đây chính là phép thử tâm lý thị trường đầu tiên đối với Hy Lạp sau khi số tiền cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu được giải ngân cách đây 2 tháng. Theo dự kiến, Hy Lạp sẽ đấu giá tín phiếu kho bạc kỳ hạn 26 tuần và 52 tuần nhằm huy động ít nhất 2.1 tỷ EUR (tương đương 2.63 tỷ USD) vào tuần tới. Tiếp đó, vào cuối tháng 7, nước này sẽ đấu giá 2.4 tỷ EUR (tương đương 3.01 tỷ USD) tín phiếu kỳ hạn 13 tuần.

Niềm tin vào nền kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục được củng cố khi nước này bán thành công 6 tỷ EUR trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lực cầu rất cao từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo kết quả cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Anh (BCC), nền kinh tế Anh tiếp tục tăng trưởng trong quý 2 vừa qua với tốc độ từ 0.6-0.7%. Tuy nhiên, BCC cũng cảnh báo mối quan ngại về đà phục hồi của nền kinh tế vẫn còn kéo dài và lĩnh vực dịch vụ chính là nỗi lo lớn nhất.

Kinh tế châu Á

 

Theo một nguồn tin thân cận, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) – nhà cho vay lớn thứ ba tại nước này – đã huy động được 10.5 tỷ USD trong cuộc định giá đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông. AgBank đã bán được 25.4 tỷ cổ phiếu (tương đương 8% cổ phần) tại Hồng Kông với giá 3.20 đôla Hồng Kông (tương đương 41 cent)/cp), tăng so với phạm vi giá đặt ra gần đây trong khoảng từ 3.18-3.38 đôla Hồng Kông/cp. Mức giá ban đầu của AgBank là 2.88-3.48 đôla Hồng Kông/cp. Theo dự kiến, cổ phiếu của AgBank chào sàn tại Thượng Hải vào ngày 15/07 tới và tại Hồng Kông vào ngày 16/07.

Trong chuyến thăm kéo dài 2 tuần nhằm đánh giá các điều kiện kinh tế tại Hàn Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này từ 4.5% lên 5.75%. Nguyên nhân theo IMF là nhờ các gói kích thích và các điều kiện thương mại toàn cầu ngày càng cải thiện. Tổ chức ngày còn cho biết kinh tế Hàn Quốc nhiều khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 5% vào năm 2011. Mức dự đoán trên cũng khớp với kỳ vọng của giới phân tích nước này, trong đó Chính phủ Hàn Quốc cho rằng nền kinh tế sẽ đi lên 5.8% trong năm nay.

Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu, phản ánh các điều kiện kinh doanh hiện tại, giảm 0.1 điểm xuống 101.2 điểm trong tháng 5, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 14 tháng qua.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất 4.5% tháng thứ 2 liên tiếp đúng như dự đoán và cho biết chính sách đưa ra là hợp lý trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới diễn ra chưa cân đối. Bên cạnh đó, Cục Thống kê Australia thông báo thặng dư thương mại tháng 5 đạt 1.65 tỷ đôla Australia (tương đương 1.38 tỷ đôla Mỹ), tăng 522 triệu đôla Australia so với tháng 4. Đây là mức tăng hàng tháng nhiều nhất kể từ tháng 3/2009 đồng thời vượt xa mức dự đoán 500 triệu đôla Australia của các chuyên gia phân tích.

Vòng quanh các thị trường

 

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 07/07:

Eurozone: GDP quý 1

Đức: Số đơn đặt hàng nhà máy

Canada: PMI

Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/07, chỉ số Dow Jones tăng 57.14 điểm (0.59%) lên 9,743.62 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 5.48 điểm (0.54%) lên 1,028.06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 2.09 điểm (0.1%) lên 2,093.88 điểm.

Sau chuỗi ngày trì trệ, chứng khoán châu Âu cũng có một phiên phục hồi mạnh mẽ và đóng cửa ở mức cao 1 tuần nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng vọt 141.47 điểm (2.93%) lên 4,965 điểm; chỉ số DAX của Đức nhận thêm124.78 (2.15%) lên 5,940.98 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 90.90 điểm (2.73%) lên 3,423.36 điểm.

Trong phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0.77%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0.57%, chỉ số Straits Times của Singapore nhận thêm 0.84%, chỉ số All Ordinaries của Australia tiến 1.16%. Ba chỉ số chính của Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan tăng lần lượt 1.92%, 1.22% và 1.46%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.98% xuống 2.93%.

Đồng đôla giảm so với đồng euro và đồng yên. Cụ thể, đồng euro phá vỡ ngưỡng 1.26 USD/EUR khi tăng 0.7% lên 1.2621 USD/EUR; đồng đôla giảm 0.3% xuống 87.48 JPY/USD.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York giảm 13.20 USD/oz xuống mức thấp 6 tuần 1,195.10 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX hạ 11 cent xuống 71.98 USD/thùng.

Vietstock

ĐỌC THÊM