IMF cho rằng thách thức nợ công không gói gọn trong Eurozone, EC lên tiếng chỉ trích các hãng xếp hạng tín nhiệm, chi phí bảo hiểm trái phiếu Bồ Đào Nha lên cao kỷ lục, lĩnh vực dịch vụ Mỹ tăng trưởng chậm lại, … là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
IMF: Thách thức nợ công không gói gọn trong Eurozone
Bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng thách thức nợ công, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế phát triển, không chỉ gói gọn trong khu vực đồng tiền chung Eurozone. Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên với cương vị Giám đốc điều hành IMF, bà Lagarde cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đặc biệt tại Hy Lạp, là rất cấp bách và nghiêm trọng.
OECD: GDP quý 1 tăng 0.5%
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 của các quốc gia thuộc Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng 0.5%, bằng với mức mở rộng trong quý trước.
Động lực tăng trưởng chính của OECD trong quý đầu năm chính là lĩnh vực tiêu thụ tư nhân. Tuy nhiên, sự đóng góp của lĩnh vực này giảm tại hầu hết các nền kinh tế lớn. Trong khi đó, lĩnh vực hàng tồn kho lại đóng góp nhiều hơn cho GDP và góp phần bù đắp sự sụt giảm của lĩnh vực tiêu thụ tư nhân.
Mỹ: Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ giảm tốc
Viện quản lý nguồn cung (ISM) thông báo chỉ số dịch vụ giảm từ 54.6 điểm trong tháng 5 xuống 53.3 điểm trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo 54 điểm của các nhà kinh tế nhưng vẫn còn cao hơn mức 50 điểm là dấu hiệu của sự tăng trưởng.
Hãng Tư vấn Việc làm Challenger, Gray & Christmas thông báo số việc làm mà các nhà tuyển dụng định cắt giảm trong tháng 6 giảm 11.6% xuống 41,432 từ mức 37,135 trong tháng 5.
EC lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hãng tín nhiệm
Sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm Bồ Đào Nha, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng chỉ trích các tổ chức tín nhiệm quốc tế lớn. EC cho rằng thời gian của việc hạ bậc là “rất đáng ngờ” và làm dấy lên nghi ngờ về “sự thích hợp trong hành động” của các hãng tín nhiệm. Được biết, gần đây các hãng tín nhiệm lớn như Standard & Poor's, Moody's, và Fitch liên tục hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Stavros Lambrinidisb cho rằng hành động của các hãng tín nhiệm trong cuộc khủng hoảng nợ là “điên rồ”. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble phát biểu tại cuộc họp báo rằng ông muốn chấm dứt sự độc quyền của các hãng tín nhiệm và hạn chế sự ảnh hưởng của các tổ chức này.
Châu Âu: Chi phí bảo hiểm trái phiếu Bồ Đào Nha lên cao kỷ lục
Chi phí bảo hiểm trái phiếu Bồ Đào Nha khỏi rủi ro vỡ nợ chạm mức cao kỷ lục vào ngày thứ Tư và lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tăng vọt sau khi Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm xuống mức không đầu tư kèm lời cảnh báo nước này có thể vỡ nợ. Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Markit, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đối với trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha tăng 0.82% lên 8.5%. Điều này đồng nghĩa với việc phải tiêu tốn tới 850,000 EUR để bảo vệ cho 10 triệu trái phiếu Bồ Đào Nha.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 06/07:
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.14% xuống 3.09%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR và bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 16.50 USD/oz (1.1%) lên 1,529.20 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 trên sàn NYMEX giảm 24 cent (0.2%) xuống 96.65 USD/thùng.
Nguồn tin:Vietstock