Các sự kiện đáng chú ý của kinh tế thế giới trong ngày Thứ Tư 09/06 chính là bản báo cáo tình hình kinh tế (Beige Book) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), số đơn đặt hàng nhà máy khả quan tại Nhật và dự báo lạc quan về hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong Tháng 5. Ngoài ra, nhận định về khủng hoảng nợ châu Âu của World Bank cũng như việc Đức và Pháp thôi thúc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng lệnh cấm bán khống cổ phiếu và trái phiếu cũng thu hút được sự chú ý của thị trường.
Kinh tế Mỹ
Cuốn Beige Book về tình hình kinh tế tại 12 khu vực của Mỹ cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục cải thiện trong Tháng 5 vừa qua dù tốc độ tăng trưởng tại một số khu vực vẫn còn khiêm tốn và những lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bào mòn niềm tin về đà phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hàng tồn kho bán buôn tăng 0.4% trong Tháng 4, thấp hơn so với dự báo tăng 0.5% của các nhà phân tích.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ gửi lên Quốc hội nước này cho biết, tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ sẽ đạt mức 93% trong năm nay và lên tới 102% trong 5 năm tới. Theo đó, nợ chính phủ Mỹ sẽ lên tới hơn 13,600 tỷ USD trong năm 2001 và 19,600 tỷ USD trong thời gian từ nay tới năm 2015.
Kinh tế châu Âu
Trong “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2010” công bố này ngày Thứ Tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định khủng hoảng nợ châu Âu sẽ làm giảm tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng này chưa ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của một số quốc gia đang phát triển.
Sơ lược sự kiện ngày 10/06 Mỹ: - Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần - Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp - Thương mại quốc tế - FED công bố ngân sách - Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện (SFC) về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc Canada: - Kim ngạch xuất nhập khẩu - Chỉ số giá nhà mới Nhật Bản: - GDP quý I - Niềm tin tiêu dùng Trung Quốc: - Kim ngạch xuất nhập khẩu - Cán cân thương mại Australia: - Tỷ lệ thất nghiệp - Số liệu việc làm New Zealand: - Cán cân thương mại Đức: - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Anh: - BoE công bố lãi suất Eurozone: - ECB công bố lãi suất - Cán cân thương mại |
World Bank dự báo tốc độ phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển đạt từ 5.7%- 6.2% trong giai đoạn 2010-2012, cao hơn gấp hai lần so với mức tăng trưởng của các quốc gia phát triển và cao hơn đáng kể so với mức tăng 1.7% trong năm ngoái. Các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng trưởng từ 2.1-2.3% trong năm 2010 và từ 1.9- 2.4% trong năm 2010. Số liệu năm 2001 chưa đủ để vực dậy mức tăng ưởng âm 3.3% trong năm ngoái. World Bank dự báo kinh tế toàn cầu nhiều khả năng mở rộng 3.3% trong năm 2010 và 2011.
Đức và Pháp đã hối thúc Ủy ban Châu Âu xem xét áp dụng lệnh bán khống cổ phiếu và trái phiếu chính phủ trong một động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết cũng như xoa dịu mối quan ngại về sự chia rẽ chính sách giữa hai quốc gia này.
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, có đến 73% cho rằng Hy Lạp có thể vỡ nợ. Trong khi đó, chỉ có 23% cho biết họ kỳ vọng gói cứu trợ gần 1 ngàn tỷ USD của khu vực sẽ vừa duy trì sự thống nhất của liên minh tiền tệ châu Âu, vừa ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các quốc gia thành viên. Hơn 40% cho rằng Hy Lạp sẽ không sử dụng đồng tiền chung của eurozone. Ngoài ra, tỷ lệ tán thành đối với ông Trichet, người ủng hộ gói cứu trợ bằng cách mua trái phiếu của Hy Lạp và các quốc gia châu Âu khác, đã tụt giảm xuống còn 41% so với cuộc điều tra hồi Tháng 1 của Bloomberg.
Nền kinh tế Phần Lan đã rơi vào suy thoái kép trong 3 tháng đầu năm nay. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I giảm 0.4% sau khi tăng trưởng âm 0.2% trong quý IV/2009. Như vậy, Phần Lan là quốc gia eurozone đầu tiên bị suy thoái kép khi vừa mới phục hồi. Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy công nợ của quốc gia này chiếm 44% GDP năm 2009.
Kinh tế châu Á
Theo số liệu được văn phòng Chính phủ Nhật công bố sáng 09/06, số đơn đặt hàng máy móc trong Tháng 4 tăng 4% so với tháng trước, đánh bật mức dự báo khiêm tốn 1.7% của Dow Jones Newswires.
Một nguồn tin Reuters cho hay, kim ngạch xuất khẩu Tháng 5 của Trung Quốc có thể tăng 50% cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 32%. Số liệu chính thức sẽ được công bố vào ngày hôm nay.
Báo cáo được chính phủ Hàn Quốc đưa ra cùng ngày cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong Tháng 5 giảm xuống còn 3.2%, so với mức 3.8% của tháng trước. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau khủng hoảng.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 40.73 điểm (0.41%) xuống 9,899.25 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 6.31 điểm (0.59%) xuống 1,055.69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 11.72 điểm (0.54%) đóng cửa tại 2,158.85 điểm.
Thị trường châu Âu phục hồi, với chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1.2%; chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp cùng tiến 2%.
Chứng khoán châu Á khép phiên cùng ngày với kết quả trái chiều, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1%, nhưng chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng mạnh 2.8% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông nhận 0.7%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.22% lên 3.24%.
Trên thị trường Mỹ, đồng EUR tiếp tục phục hồi so với đồng USD. Đồng bạc xanh giảm 0.2% so với đồng tiền chung châu Âu, hạ 0.5% so với bảng Anh và mất 0.3% so với đồng JPY.
Sau phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong ngày Thứ Tư, giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York trượt 15.50 USD/oz (tương đương 1.3%) xuống 1.229.90 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX tăng mạnh 2.39 USD/thùng (tương đương 3.3%) lên 74.38 USD/thùng.
Vietstock