Trung Quốc vượt Nhật thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 3/2010, ngân hàng trung ương Anh và Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất, GDP quý 3 Nhật tăng vượt dự báo, Fitch hạ 3 bậc tín nhiệm Ireland, Pháp phản đối e-bond, IMF cho rằng đồng EUR không bị đe dọa,… là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục vượt Nhật Bản trong quý 3/2010 |
Châu Mỹ: Lãi suất thế chấp tăng vọt lên mức cao 5 năm
Cùng với lợi tức trái phiếu Chính phủ, lãi suất thế chấp tại Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua sau khi Tổng thống Barack Obama đồng ý kéo dài thời hạn cắt giảm thuế thêm 2 năm. Theo Freddie Mac, lãi suất đối với các khoản vay cố định kỳ hạn 30 năm trong tuần kết thúc ngày 09/12 tăng từ 4.46% lên 4.61%. Mức lãi suất trung bình 15 năm cũng tăng lên 3.96% từ 3.81%.
Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 27/11 giảm 17,000 xuống 421,000 từ mức 436,000 trong tuần trước, thấp hơn dự báo giảm xuống 429,000 của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp trung bình 4 tuần đến ngày 04/12 cũng giảm 4,000 xuống 427,500.
Lượng hàng tồn kho bán buôn tháng 10 tăng 1.9%, mạnh hơn gấp 3 lần so với mức 0.6% trong tháng 9 và cao hơn dự báo 0.7% của các nhà kinh tế.
Sự cải thiện của hoạt động đầu tư và chi tiêu tiêu dùng đã giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Brazil tăng 0.5% so với quý trước, cao hơn dự báo 0.4% của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 3 tăng 6.7%, thấp hơn mức ước tính 6.8%. Dù tăng trưởng mạnh hơn dự báo nhưng tốc độ mở rộng kinh tế của Brazil đã chậm lại so với mức 1.8% trong quý 2 và 2.3% trong quý 1. Đây là tốc độ phát triển chậm nhất kể từ khi nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào quý 2/2009.
Châu Âu: Anh giữ nguyên chính sách tiền tệ, Pháp phản đối e-bond
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết đồng EUR không hề bị đe dọa nhưng cảnh báo rằng kinh tế khu vực này đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng rất chậm nếu không nỗ lực hợp sức vượt qua khó khăn.
Cùng với Đức, Pháp đã lên tiếng phản đối đề xuất các quốc gia thành viên Eurozone phát hành trái phiếu chung (e-bond) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Bên cạnh đó, Pháp còn phản đối lời kêu gọi gia tăng quy mô quỹ giải cứu 750 tỷ EUR và cho rằng số lượng như hiện nay là đủ.
Fitch Ratings hạ 3 bậc tín nhiệm của Ireland từ A+ xuống BBB+ do khoản chi phí cao mà nước này dùng để tái cấu trúc và hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Tuy nhiên, Fitch nhận xét triển vọng tín nhiệm của Ireland ổn định.
Ủy ban Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ nguyên lãi suất ở mức 0.5% và không tiết lộ thêm bất kỳ biện pháp nới lỏng tín dụng nào đúng như dự báo. Số liệu gần đây nhất cho thấy, lạm phát tháng 10 của Anh tăng 3.2%, vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức trần 2% và GDP quý 3 tăng 0.8%.
Lạm phát tháng 11 của Đức tăng 1.5%, mức tăng mạnh nhất trong hơn hai năm qua do giá năng lượng và thực phẩm leo thang, cao hơn mức 1.3% trong hai tháng 9 và 10. Dù vậy, con số này vẫn còn dưới mức trần 2% do Chính phủ nước này đặt ra.
Khảo sát của nhà cung cấp các khoản vay bất động sản Halifax cho thấy giá nhà ở tháng 11 tại Anh giảm 0.1% so với cùng kỳ 2009 do nguồn cung cao nhưng nhu cầu yếu cũng như đà giảm giá nhà ở gần đây.
Châu Á: Trung Quốc là nền kinh tế số 2 thế giới trong quý 3/2010
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán ô tô tháng 11 của Trung Quốc nhảy vọt 27% lên 1.7 triệu chiếc do dự báo rằng nước này sẽ tăng phí đăng ký biển số xe tại một số thành phố. Tổng doanh số bán từ đầu năm đến nay đạt 16.4 triệu chiếc, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Nhật tăng trưởng 1.1% so với quý trước, cao hơn dự báo lần trước của Chính phủ là 1% và mức 0.9% trong quý 2. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 3 tăng 4.5%, vượt ước tính trước đó là 3.9% và cao hơn dự báo 4.1% của các nhà kinh tế nhờ sự cải thiện của hai lĩnh vực chi tiêu cơ bản và dự trữ hàng tồn kho.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) giữ nguyên lãi suất ở mức 2.5% như dự báo do sự suy yếu của nền kinh tế xuất phát từ đồng won mạnh. Tuy nhiên, kỳ vọng về đà tăng giá đang gia tăng trở lại, tín hiệu cho thấy BOK có thể tăng lãi suất trong thời gian tới.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 của Australia giảm 0.2% so với mức 5.4% trong tháng 10 xuống 5.2%, khớp với mức dự báo của các nhà kinh tế. Số người có việc làm tăng thêm 54,600 lên 11.4 triệu, trong khi số người thất nghiệp giảm bớt 19,500 xuống 627,800. Số người tham gia lao động tháng 11 tăng 0.1% so với tháng 10 lên 66.1%. Thông tin tích cực này giúp chỉ số All Ordinaries nhận 0.75% lên 4,827.50 điểm.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 09/12:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ từ 3.25% xuống 3.22%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR và bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY.
Chỉ số đồng USD tăng 0.07% lên 80.08 USD, trong khi đồng EUR trượt 0.28% xuống 1.32 USD/EUR.
Giá vàng giao tháng 2 trên sàn COMEX tại New York tăng 9.60 USD/oz lên 1,392.80 USD/oz. Mức cao nhất trong phiên là 1,395.60 USD/oz và thấp nhất là 1,381.10 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 trên sàn NYMEX tăng 9 cent lên 88.37 USD/thùng. Phạm vi dao động của giá dầu trong phiên là từ 87.71-89.42 USD/thùng. Từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 10/12: New Zealand - 04h45: Cán cân thương mại - 04h45: Nhập khẩu - 04h45: Xuất khẩu Đức - 14h00: Chỉ số giá bán buôn Anh - 16h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) Canada - 20h30: Cán cân thương mại Mỹ - 20h30: Cán cân thương mại - 20h30: Giá xuất khẩu - 20h30: Giá nhập khẩu - 21h55: Tâm lý tiêu dùng - 21h55: Báo cáo sơ bộ niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan |
Nguồn: Vietstock