Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phát tín hiệu nâng lãi suất, Moody’s cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Ireland về mức “không đầu tư”, Trung Quốc sẽ giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay, đồng JPY có thể “test” lại các mức cao kỷ lục,.. là các điểm nhấn kinh tế tài chính thế giới trong 24h qua. OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu và nguồn cung dầu thô năm 2011 Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong năm 2011. Đồng thời OPEC cũng duy trì quan điểm rằng nguồn cung cầu vẫn còn đủ bất chấp sự thất thoát tại Libya vì các thành viên khác của tổ chức đã gia tăng sản lượng. Trong báo cáo hàng tháng của mình, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 1.4 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với tháng trước và khớp với ước tính từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Bên cạnh đó, OPEC giữ nguyên quan điểm rằng nguồn cung dầu vẫn còn dồi dào thậm chí khi giá dầu vọt lên 120 USD/thùng. Báo cáo của OPEC cho thấy đà lao dốc của giá dầu xuống dưới 105 USD/thùng trong tuần trước không phải là một điều quá bất ngờ. Mỹ: Thâm hụt ngân sách giảm có thể vượt 1,000 tỷ USD năm thứ 3 liên tiếp Thâm hụt ngân sách Mỹ thu hẹp trong tháng 4 nhưng đang có nguy cơ vượt 1,000 tỷ USD năm thứ 3 liên tiếp dù nguồn thu thuế của Chính phủ nước này đang gia tăng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế. Cụ thể, thâm hụt ngân sách tháng 4 giảm xuống 40.5 tỷ USD, thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ 2010. Dù vậy, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt ngân sách năm nay vẫn có thể tăng lên tới 1.4 ngàn tỷ USD, cao hơn mức 1.29 ngàn tỷ USD trong năm 2010 và gần bằng mức kỷ lục 1.41 ngàn tỷ USD trong năm 2009. Thâm hụt thương mại của Mỹ mở rộng từ 45.4 tỷ USD lên 48.2 tỷ USD trong tháng 3 do sự gia tăng chi phí nhập khẩu dầu. Số liệu trên cao hơn so với dự báo 47 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu trừ các sản phẩm xăng dầu, thâm hụt thương mại tháng 3 chỉ ở mức 16.9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 4.6% lên 173 tỷ USD, vượt qua các mức cao trước suy thoái và là mức tăng mạnh nhất trong 17 năm. Châu Âu: Anh phát tín hiệu nâng lãi suất Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mervyn King cho biết lạm phát vẫn còn đứng ở mức cao và có thể chạm mức 5% trong ngắn hạn do chi phí năng lượng ngày càng gia tăng. Trong báo cáo lạm phát hàng quý, các quan chức BOE đã nâng dự báo lạm phát và hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 từ 2% xuống 1.75%. BOE cho rằng lạm phát sẽ giảm trở lại trong năm 2012 và 2013. Nhận định và động thái trên có thể dọn dường cho việc nâng lãi suất vào tháng 11 tới. Cơ quan Thống kê Đức thông báo lạm phát tháng 4 tại nước này nhảy vọt 2.7%, cao hơn mức 2.3% trong tháng 3 và dự báo được đưa ra trong lần trước là 2.6%. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tăng 0.3%, cao hơn ước tính công bố trước đó là 0.2%. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo cam kết “rất mạnh mẽ” của Ireland khi nhận gói giải cứu từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ có thể thay đổi cùng với các diễn biến tại Eurozone. Tổ chức này cảnh báo các rủi ro bên ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia nợ nần chồng chất, có thể đẩy xếp hạng tín nhiệm của nước này về cấp độ “không đầu tư”. Châu Á: Trung Quốc có thể giảm lãi suất Nhà nghiên cứu Wang Jian thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết nước này có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay nhằm ngăn chặn đà suy giảm mạnh của nền kinh tế. Ông cho biết việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể trở thành sự thật trong quý cuối cùng của năm 2011. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo các khoản vay mới từ các ngân hàng tăng nhẹ trong tháng 4 do các nhà điều hành tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm ghìm cương lạm phát. Theo đó, các ngân hàng của nước này đã cho vay tổng cộng 739.6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 113.8 tỷ USD) trong tháng 4, cao hơn so với mức 679.4 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 3 và dự báo 725 tỷ Nhân dân tệ, nhưng thấp hơn 20.8 tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái. JPMorgan dự báo đồng JPY có thể “test” lại mức cao kỷ lục so với đồng USD vì các nhà đầu tư Nhật Bản có thể tạm ngừng đầu tư vào các tài sản bên ngoài nhằm giảm rủi ro sau trận động đất lớn nhất trong lịch sử nước này. Ông Junya Tanase, chiến lược gia tiền tệ của JPMorgan tại Tokyo cho biết những nhà đầu tư không ưu thích rủi ro có thể gửi về nước tới 10 ngàn tỷ JPY (tương đương 123.5 tỷ USD) khi nước này nỗ lực tái thiết đất nước. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cảnh báo nước này có thể không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9% do đà tăng cao của giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu và lạm phát cao. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2011 xuống 8% do các biện pháp chống lạm phát hiện đang dao động quanh mức 9%. Vòng quanh các thị trường Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 11/05: Nguồn: VietstockFinance
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3.16%.
Đồng USD tăng hơn 1% so với đồng EUR nhưng giảm so với bảng Anh và đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York hạ 15.50 USD/oz (1%) xuống 1,501.40 USD/oz.
Giá bạc giao tháng 7 lùi sâu 2.97 USD/oz (7.7%) xuống 35.52 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn NYMEX rớt 5.67 USD/thùng (5.5%) xuống 98.21 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 12/05: Australia - 08h30: Tỷ lệ thất nghiệp Anh - 15h30: Sản lượng công nghiệp - 15h30: Số đơn đặt hàng công nghiệp Eurozone - 16h00: Sản lượng công nghiệp Mỹ - 19h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - 19h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) - 19h30: Doanh số bán lẻ - 21h00: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu |
Nguồn: Vietstock