Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định nước này không cố tình làm suy yếu đồng USD; Moody’s nâng bậc tín nhiệm Trung Quốc; lạm phát Trung Quốc vượt dự báo; Nhân dân tệ lên mức cao kỷ lục; chênh lệch lợi suất CDS của 3 Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland lên mức cao kỷ lục; tranh luận xung quanh gói giải cứu dành cho Ireland,… là các thông tin nổi bật trong 24h qua.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Brian Lenihan |
Mỹ không theo đuổi chính sách làm yếu đồng USD
Đáp lại lời chỉ trích của Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan cho rằng Mỹ đang theo đuổi chính sách làm yếu đồng USD, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định Mỹ không bao giờ cố tình làm suy yếu đồng nội tệ để hưởng lợi thế cạnh tranh hay tăng trưởng kinh tế. Theo ông, đây không phải là một chiến lược hiệu quả.
Châu Âu: Tái diễn lo sợ về khủng hoảng nợ
Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, sự lưỡng lự của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc nới lỏng tín dụng làm trầm trọng thêm tình hình tại Eurozone và lời chỉ trích của Đức đối với chương trình mua trái phiếu của Mỹ là “sai lầm”. Được biết, trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng gói kích thích của FED là “không cần thiết.”
Quốc hội châu Âu đã phê chuẩn các quy định mới về quỹ đầu cơ nhằm minh bạch hóa hoạt động của các quỹ tư nhân và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Quy định mới này sẽ được áp dụng đối với các quỹ trị giá 1 tỷ EUR (tương đương 1.4 tỷ USD).
Theo Hãng nghiên cứu Markit, nỗi sợ hãi xung quanh vấn đề nợ Eurozone đã khiến chi phí bảo hiểm nợ quốc gia của Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tăng lên các mức cao kỷ lục. Chênh lệch lợi suất của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Bồ Đào Nha mở rộng từ 4.91% lên 5.05%, ghi nhận lần đầu tiên vượt mốc 5%. Chênh lệch lợi suất CDS của Ireland mở rộng 0.27% lên 6.2%, của Tây Ban Nha tăng từ 2.94% lên 2.79%, của Hy Lạp tăng 0.12% lên 8.9%.
Trước tình hình này, Ireland cảnh báo rằng việc chi phí vay mượn liên tục leo lên các mức cao kỷ lục là “rất nghiêm trọng” và Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã sẵn sàng hành động để cứu “con hổ Celtic”. Hiện các quan chức châu Âu đang theo dõi sát tình hình tại Ireland nhưng đã hai lần liên tiếp từ chối thông tin Dublin đang tìm kiếm gói giải cứu tương tự như Hy Lạp.
20 trong số 30 nhà kinh tế và chiến lược gia trái phiếu tham gia cuộc thăm dò của Reuters cho biết Ireland sẽ phải cần đến gói giải cứu vào cuối năm 2011. Giá trị của gói giải cứu có thể ở vào khoảng 48 tỷ EUR (tương đương 66 tỷ USD).
Trước đó, các nhà làm chính sách Ireland khẳng định rằng kinh tế nước này sẽ tự phục hồi mà không cần bất kỳ gói giải cứu nào nhưng lợi suất trái phiếu Chính phủ Ireland ngày càng leo thang cho thấy nhà đầu tư đang nghĩ ngược lại.
Số liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Tây Ban Nha cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của nước này tăng trưởng 0% so với quý trước. Kinh tế Tây Ban Nha thoát khỏi suy thoái trong năm nay khi GDP quý 1 tăng 0.1% và GDP quý 2 mở rộng 0.2%. Tỷ lệ thất nghiệp gần 20%, cao nhất trong Eurozone, đã tác động xấu đến đà tăng trưởng.
Các quan chức Hy Lạp cho biết tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 của nước này tăng từ 12% lên 12.2% sau khi nền kinh tế cắt giảm 46,000 việc làm. Văn phòng thống kê Hy Lạp thông báo, tổng số người thất nghiệp tăng lên mức 613,108. Chính phủ nước này dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 14.5% vào năm tới và 15% vào năm 2012.
Châu Á: Nâng bậc tín nhiệm, lạm phát vượt dự báo, thất nghiệp giảm
Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ A1 lên xếp hạng cao thứ tư Aa3 và cho biết sẽ duy trì triển vọng tích cực đối với nợ của quốc gia này. Bên cạnh đó, Moody’s cũng nâng bậc tín nhiệm của Hồng Kông từ Aa2 lên Aa1.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Trung Quốc nhảy vọt 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao 25 tháng và đánh bật dự báo 4% của các nhà kinh tế. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 tăng 5%, cao hơn dự báo tăng 4.6% và mức 4.3% trong tháng 9.
Doanh số bán lẻ tháng 10 nhảy vọt 18.6%, thấp hơn dự báo 18.8% của các nhà kinh tế. Sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng 13.1%, thấp hơn dự báo 13.4%. Đầu tư tài sản cố định 10 tháng đầu năm tăng 24.4%, khớp với ước tính. Giá trị các khoản vay mới giảm xuống 587.7 tỷ Nhân dân tệ.
Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) tiến lên mức kỷ lục mới so với đồng USD. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được thiết lập giảm từ 6.6450 NDT/USD xuống 6.6242 NDT/USD.
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) cho biết sắp rút ngắn giờ nghỉ trưa hiện tại 90 phút xuống còn 60 phút nhằm kéo dài thời gian giao dịch. Số đơn đặt hàng nhà máy tháng 9 tại Nhật giảm 10.3% so với tháng 8, cao hơn dự báo giảm 9.8% của các nhà kinh tế. Các nhà sản xuất được khảo sát dự báo số đơn đặt hàng nhà máy quý 4 sẽ giảm 9.8% so với quý 3.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Kim Choongsoo cho biết dù các thị trường tài chính và ngoại hối của Hàn Quốc vẫn chưa ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc kể từ quý 2 năm 2009. Ông nhận định kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 6% trong năm nay và 4.5% vào năm tới.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 của Australia bất ngờ gia tăng lên 5.4% từ mức 5.1% trong tháng 9, cao hơn dự báo đứng yên của các nhà kinh tế. Số liệu này có thể khiến các nhà kinh tế rút lại kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) sẽ tăng lãi suất trong ngắn hạn.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 11/11:
Thị trường trái phiếu, các văn phòng Chính phủ và một số ngân hàng đóng cửa nghỉ lễ Cựu chiến binh (Veterans Day).
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR, ít thay đổi so với đồng JPY nhưng giảm so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 4 USD/oz lên 1,403.30 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn NYMEX ít thay đổi tại mốc 87.81 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 12/11: Đức - 14h00: GDP quý 3 Eurozone - 17h00: GDP quý 3 - 17h00: Sản lượng công nghiệp Mỹ - 21h55: Tâm lý người tiêu dùng |
Nguồn: Vietstock