Lần đầu tiên Trung Quốc cho phép giao dịch Nhân dân tệ tại Mỹ, FED nhận định kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm 2010, kinh tế Đức tăng trưởng mạnh nhất trong hai thập kỷ, Nhật sẽ mua thêm trái phiếu châu Âu, Bồ Đào Nha chào bán thành công 1.25 tỷ EUR trái phiếu, nhập khẩu vàng của Ấn Độ có thể đạt kỷ lục, Thái Lan nâng lãi suất,… là các thông tin quan trọng trong 24h qua.
Mỹ: FED nhận định kinh tế Mỹ sáng hơn vào cuối năm 2010
Theo báo cáo Beige Book của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kinh tế Mỹ ngày càng cải thiện vào thời điểm cuối năm 2010 nhờ sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và dịch vụ phi tài chính. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn khá yếu ớt.
Thâm hụt ngân sách tháng 12/2010 của Mỹ giảm xuống còn 80 tỷ USD từ mức 91.4 tỷ USD trong tháng 11.
Châu Âu: Kinh tế Đức tăng trưởng mạnh nhất trong 20 năm, Bồ Đào Nha vượt qua phép thử quan trọng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2010 của Đức tăng vọt 3.6%, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ khi nước này giành được thống nhất vào năm 1992 sau khi sụt giảm tới 4.7% trong năm 2009. Kết quả trên khớp với dự báo của 28 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu mở rộng 2% trong năm nay và 1.5% vào năm 2012 do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Chính phủ Bồ Đào Nha bán 1.25 tỷ EUR trái phiếu (tương đương 1.62 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ. Đây được xem là một phép thử tâm lý quan trọng của các thị trường tín dụng giữa lúc tồn tại lo sợ rằng nước này có thể buộc phải xin giải cứu. Theo đó, Cơ quan quản lý nợ quốc gia của Bồ Đào Nha đã bán thành công 650 triệu EUR trái phiếu đáo hạn vào năm 2014 và 599 triệu EUR trái phiếu đáo hạn năm 2020 với lợi suất lần lượt là 5.39% và 6.72%.
Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết nước này là một nhà đầu tư dài hạn trên thị trường tài chính châu Âu và sẽ tiếp tục áp dụng chính sách này. Ông nói: “Chúng tôi tin tưởng vào thị trường tài chính châu Âu và đồng EUR. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào châu Âu trong một thời gian rất dài. Trung Quốc là một nhà đầu tư dài hạn và ổn định tại châu Âu”.
Châu Á: Nhật sẽ mua thêm trái phiếu châu Âu, Thái Lan tăng lãi suất
Hai quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẽ mua thêm trái phiếu từ Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu trong các tháng tới nhằm giúp khu vực này thoát khỏi khủng hoảng nợ. Được biết, trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cam kết mua hơn 20% trái phiếu được phát hành trong tháng 01/2011 nhằm tài trợ cho gói giải cứu Ireland. Hai quan chức trên cho biết hiện Chính phủ Nhật đang xem xét mua thêm để cải thiện niềm tin trong Eurozone.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo tổng dư nợ tín dụng tháng 12 tại Nhật Bản giảm 2.1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng suy giảm thứ 13 liên tiếp. Theo đó, tổng giá trị các khoản vay tháng 12/2010 đứng ở mức 393.86 ngàn tỷ JPY (tương đương 4.73 ngàn tỷ USD) sau khi giảm 2.1% trong tháng 11.
Thặng dư tài khoản vãng lai tháng 11 của Nhật Bản giảm mạnh hơn dự báo do thặng dư thương mại giảm gần 50% xuất phát từ sự tăng vọt của hoạt động nhập khẩu. Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai tháng 11 giảm xuống còn 926.2 tỷ JPY (tương đương 11.1 tỷ USD), từ mức 1.44 ngàn tỷ JPY trong tháng 10 và giảm 15.7% so với mức 1.09 ngàn tỷ JPY trong cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Nikkei và Dow Jones Newswires dự báo thặng dư tháng 11 đạt 977.7 tỷ JPY.
Trung Quốc lần đầu tiên cho phép giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) tại Mỹ, một bước đi quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch đẩy mạnh hoạt động giao dịch đồng tiền này trên toàn cầu. Theo đó, ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd. vừa cho phép khách hàng giao dịch đồng NDT tại Mỹ.
Giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ áp dụng thêm các biện pháp nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm nay sau khi các ngân hàng nước này đều vượt mục tiêu cho vay năm 2010. Theo đó, trong tháng 12 vừa qua, các ngân hàng Trung Quốc cho vay 480.7 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 72.6 tỷ USD), vượt dự báo 380 tỷ Nhân dân tệ của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones Newswires. Được biết, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 7.95 ngàn tỷ Nhân dân tệ, vượt mục tiêu 7.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ của Chính phủ.
Các nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2011 của Australia từ 3.3% xuống 3% do các trận lũ lụt lớn tại Queensland. Các nhà kinh tế này nâng dự báo lạm phát 2011 của Australia từ 3.1% lên 3.5%.
Theo Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC), nhập khẩu vàng năm 2010 của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhiều khả năng tăng lên mức cao kỷ lục nhờ nhu cầu đầu tư. Ông Ajay Mitra, Giám đốc điều hành WGC phụ trách khu vực Ấn Độ và Trung Đông nhận định lượng vàng nhập khẩu trong năm qua của Ấn Độ có thể ở vào khoảng 800 tấn.
Sản lượng công nghiệp Ấn Độ tăng trưởng chậm lại trong tháng 11/2010 với tốc độ 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với mức đã được điều chỉnh trong tháng 10 là 11.3%. Tuy nhiên, số liệu này có thể không ngăn cản được quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) trong tháng 01 này do lạm phát ngày càng leo thang.
Thái Lan nâng lãi suất cơ bản lần thứ tư trong vòng 7 tháng qua nhằm hạ thấp lạm phát khi lương và giá dầu tăng cao. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) nâng lãi suất thêm 0.25% lên 2.25%, khớp với dự báo của các nhà kinh tế.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 12/01:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.34% lên 3.35%. Cuộc đấu giá 21 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã thu hút được lực cầu khá mạnh.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR và bảng Anh nhưng tăng nhẹ so với đồng JPY. Chỉ số đồng USD giảm 0.85% xuống 80.13 USD.
Giá vàng giao tháng 2 trên sàn COMEX tại New York tăng 1.50 USD/oz lên 1,385.80 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 trên sàn NYMEX tăng 75 cent (0.8%) lên 91.86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 03/10/2008.
Giá ngô tăng 3% sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung ngô sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996.
Báo cáo này là dấu hiệu mới nhất cho thấy nguồn cung thực phẩm ngày càng hạn hẹp khi đà tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 13/01: Mỹ - 02h00: Báo cáo ngân sách tháng 12 - 20h30: Thương mại quốc tế - 20h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - 20h30: Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp - 20h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) Australia - 07h30: Tỷ lệ thất nghiệp Anh - 16h30: Sản lượng công nghiệp - 19h00: Anh công bố lãi suất - 19h45: ECB công bố lãi suất - 20h30: ECB họp báo |
Nguồn: Vietstock