Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 14/07: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Cán cân thương mại Mỹ mở rộng lên mức cao 18 tháng, thâm hụt ngân sách Mỹ giảm 27%, Hy Lạp chào bán tín phiếu thành công với lợi suất dưới 5%, Moody’s hạ 2 bậc tín nhiệm của Bồ Đào Nha và lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc… là các nét chính của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới ngày 13/07.

 

Kinh tế Mỹ

Cán cân thương mại tháng 5 của Mỹ bất ngờ mở rộng 4.8% lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua 42.3 tỷ USD từ mức 40.3 tỷ USD trong tháng 4 do nhu cầu nhập khẩu xe hơi, máy tính và quần áo ngày càng gia tăng. Kết quả ngày đi ngược với dự báo thu hẹp xuống 39.5 tỷ USD của các nhà kinh tế. Mức tăng trưởng 2.9% của lĩnh vực nhập khẩu đã vượt mặt tốc độ cải thiện 2.4% trong lĩnh vực xuất khẩu.

Cùng ngày, Bộ tài chính Mỹ công bố thâm hụt ngân sách tháng 6 giảm mạnh 27% từ 94.33 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái xuống 68.42  tỷ USD, thấp hơn so với dự báo thâm hụt 70 tỷ USD từ giới phân tích nhờ nguồn thu thuế doanh nghiệp gia tăng. Dù vậy, ngân sách Mỹ đã bị thâm hụt 21 tháng liên tiếp và điều này khiến yêu cầu cắt giảm ngân sách luôn là trọng tâm tại các cuộc tranh luận gần đây. Trong 9 tháng đầu của năm tài khóa 2010 kết thúc ngày 30/09/2010, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm nhẹ xuống 1.004 ngàn tỷ USD từ mức 1.086 ngàn tỷ trong 3 quý đầu năm tài chính 2009.

Vào ngày thứ Ba, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Ben Nelson khẳng định ông sẽ ủng hộ dự luật cải cách tài chính. Nhờ đó, nhiều khả năng các thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ đã chốt đủ số phiếu bầu cần thiết để thông qua dự luật chỉnh sửa các quy định tài chính quan trọng này.

Sau mở màn thuận lợi của Alcoa hôm thứ Ba, Tập đoàn Intel chính thức khởi động mùa lợi nhuận quý 2 với kết quả thậm chí còn ấn tượng hơn. Lợi nhuận của đại gia công nghệ này đã dễ dàng đánh bật kỳ vọng của các giới tài chính Wall Street đồng thời Intel còn nâng dự báo doanh thu quý 3 lên mức cao hơn ước tính từ các phân tích. Cụ thể, EPS của hãng đạt 51 cent, cao hơn dự đoán 43 cent và ngược mức thua lỗ 7 cent của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng mạnh lên 10.8 tỷ USD từ mức 8.024 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2009. Hãng nâng dự báo doanh thu quý 3 lên 11.20-12 tỷ USD, vượt ước tính 10.92 tỷ USD từ giới phân tích.

Kinh tế châu Âu

Hy Lạp đã thành công trong lần chào bán trái phiếu đầu tiên kể từ khi nhận 110 tỷ EUR tiền cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cụ thể, nước này đã bán 1.625 tỷ EUR (tương đương 2.1 tỷ USD) tín phiếu kho bạc kỳ hạn 26 tuần với lợi suất 4.65%, thấp hơn mức 5% mà EU và IMF đánh lên gói cứu trợ dành cho quốc gia này. Thông tin trên đã xoa dịu mối quan ngại về việc Hy Lạp phải gánh chịu chi phí vay mượn quá cao.

Ngày 13/07, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã cắt giảm 2 bậc xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha xuống mức A1 do khoản nợ công ngày càng phình to và viễn cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém của nước này nhưng cho rằng triển vọng tín dụng vẫn còn ổn định. Trong kết quả của đợt xem xét bắt đầu hôm 05/07 để đưa ra quyết định trên, Moody's dự báo tình hình nợ công của Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục sẽ tiếp tục tồi tệ trong vòng 2-3 năm nữa với tỷ lệ nợ/GDP và thu ngân sách có thể lần lượt lên tới 90% và 210%. Theo Moody's, Bồ Đào Nha cần phải đề xuất thêm nhiều biện pháp khắt khe hơn trong kế hoạch ngân sách 2011 của mình.

Liên quan đến các hãng tín dụng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet muốn chấm dứt sự độc quyền của 3 hãng xếp hạng tín nhiệm hiện nay là Fitch, Moody’s và S&P’s. Ông cho rằng thế giới cần thêm nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm bởi hành động của 3 hãng tín dụng trên đã khiến thị trường biến động dữ dội hơn.

Kinh tế châu Á

Báo cáo hôm 13/07 trên tờ Shanghai Securities News cho thấy lợi nhuận ròng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) trong 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 46 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6.8 tỷ đôla), tăng 40% so với cùng kỳ năm 2009. Được biết, AgBank sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường chứng khoán Thượng Hải vào ngày thứ Năm (15/07) và Hồng Kông vào ngày thứ Sáu (16/07). Theo dự tính, ngân hàng này sẽ huy động được khoảng 22.1 tỷ đôla thông qua đợt IPO được xem là lớn nhất thế giới tới thời điểm này.

Vòng quanh các thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 146.75 điểm (1.44%) lên 10,363.02 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 16.59 điểm (1.54%) lên 1,095.34 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhảy 43.67 điểm (1.99%) đóng cửa tại 2,242.03 điểm.

Trên thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 104.00 điểm (2.01%) lên 5,271.02 điểm, DAX của Đức nhận 113.94 điểm (1.87%) lên 6,191.13 điểm, CAC 40 của Pháp tiến 70.10 điểm (1.96%) lên 3,637.76 điểm.

Tại châu Á, mối quan ngại về động thái thắt chặt tín dụng bất động sản của Trung Quốc đã khiến các thị trường giảm điểm với chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt 1.67%, Hang Seng của Hồng Kông trừ 0.18%, Taiex của Đài Loan hạ 0.55%, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0.11% và All Ordinaries của Australia mất 0.67%. Ở xu hướng tích cực, chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 0.06%, Straits Times của Singapore cộng 0.12%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.05% lên 3.11%.

Trên thị trường Mỹ, đồng euro tăng so với đồng đôla và có thời điểm trong ngày đồng tiền chung châu Âu lên mức cao 2 tháng. Trong khi đó đồng bạc xanh giảm so với đồng yên.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 12.60 USD/oz lên 1,213.50 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX tăng mạnh 2.29 USD/thùng lên 77.15 USD/thùng.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 14/07:

Mỹ:

- Giá nhập khẩu, giá xuất khẩu

- Doanh số bán lẻ tháng 6

- Lượng hàng tồn kho kinh doanh tháng 5

- Lượng dự trữ dầu thô

Eurozone:

- Sản lượng công nghiệp

- Lạm phát

Anh:

- Số người xin nhận trợ cấp thất nghiệp

- Báo cáo việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

New Zealand: Doanh số bán lẻ

(Vietstock)

ĐỌC THÊM