Lợi nhuận 2010 của các ngân hàng Mỹ khả quan, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2011 đạt 7 ngàn tỷ Nhân dân tệ, Trung Quốc kéo dài thời hạn nâng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn thêm 3 tháng, sàn chứng khoán Thượng Hải sẽ giao dịch suốt 24h vào năm 2012, sàn chứng khoán Hồng Kông nới lỏng quy định niêm yết đối với các công ty Trung Quốc, OECD nhận định đà phục hồi kinh tế Eurozone đang đứng yên,… là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua. Mỹ: Lợi nhuận của các ngân hàng lớn Wall Street cao thứ 2 từ trước đến nay Sau khi đứng dậy nhờ gói giải cứu của Chính phủ, các ngân hàng lớn nhất Wall Street sắp khép lại 2 năm hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và giao dịch với lợi nhuận 2010 nhiều khả năng là mức cao thứ hai từ trước đến nay. Theo số liệu của Bloomberg, 5 ngân hàng lớn nhất Mỹ về doanh thu ngân hàng đầu tư và giao dịch là Goldman Sachs, JPMorgan, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley có thể đạt được kết quả kinh doanh quý 4 khả quan hơn so với hai quý trước đó. Thậm chí khi lợi nhuận quý 4 chỉ bằng với quý 3, lợi nhuận của các ngân hàng này cũng sẽ cao hơn bất cứ năm nào, trừ 2009. Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Wall Street Journal lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2011 với dự báo nền GDP năm tới tăng 3% đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra suy thoái kép chỉ còn 15%, thấp hơn so với cuộc khảo sát hồi tháng 9 là 22%. Các nhà kinh tế trên còn nâng dự báo GDP 2010 lên 2.6% từ mức 2.4% trong lần khảo sát trước, trong đó GDP quý 3 tăng 2.5%. Châu Âu: Moody’s duy trì triển vọng tín nhiệm tiêu cực đối với Tây Ban Nha Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng hoạt động kinh tế tại Eurozone có cải thiện nhưng đà phục hồi nhiều khả năng đứng yên. Theo OECD, các quốc gia khu vực phải củng cố tài chính công dù điều này có thể tác động xấu đến tăng trưởng trong ngắn hạn. Tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 2 năm tới của Eurozone là từ 1.5-2%. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s duy trì triển vọng tín nhiệm tiêu cực đối với Tây Ban Nha thêm từ 12-18 tháng tới vì cho rằng nguồn vốn, lợi nhuận và việc tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng nước vẫn còn yếu. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble lên tiếng bảo vệ đồng EUR khi cho rằng đồng tiền chung này sẽ không sụp đổ đồng thời cảnh báo nước nào phản đối đồng EUR sẽ không thành công. Ông nhấn mạnh rằng tất cả 16 nước Eurozone đều đồng ý rằng đồng tiền chung có lợi cho tình hình tài chính của các nước này. Châu Á: Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 7 ngàn tỷ Nhân dân tệ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt ít nhất 7 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.1 ngàn tỷ USD) trong năm 2011. Đồng thời, Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu kinh tế cho năm tới như lạm phát 4%, tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng cung tiền 16%. Trung Quốc cho biết sẽ xem xét cho phép các ngân hàng giao dịch hợp đồng quyền chọn Nhân dân tệ nhằm giúp các ngân hàng này bảo vệ được lợi nhuận từ sự biến động của tỷ giá. Hiện Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đang tìm hiểu ý kiến của một số ngân hàng về vấn đề này. Nếu được thực hiện, hoạt động này sẽ bắt đầu trong hai tháng tới. Ba nguồn tin cho Reuters hay đợt nâng dự trữ bắt buộc đối với 6 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc dự kiến hết hạn trong tuần này sẽ kéo dài thêm 3 tháng nữa. Đây là một bước đi nhỏ trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc với dự báo được thực hiện ngày càng quyết liệt trong các tháng tới. Thượng Hải có kế hoạch trở thành thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á vào năm 2013 và sẽ thực hiện giao dịch suốt 24h vào năm 2020 thông qua một sàn giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng sàn giao dịch này vẫn chưa được công bố chính thức. Sàn chứng khoán Hồng Kông vừa lên tiếng bảo vệ quyết định cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn này sử dụng các chuẩn mực kế toán và kiểm toán của đại lục. Động thái trên được cho là sẽ gia tăng hiệu quả và giảm chi phí nhưng lại bị chỉ trích nặng nề. Ngoài ra, sàn chứng khoán Hồng Kông cũng cho biết sẽ sửa đổi các quy định niêm yết, qua đó giới hạn khả năng xử lý các vụ lừa đảo của các nhà điều hành Hồng Kông. Quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày thứ Tư (15/12). Nhật Bản cho biết sẽ xem xét kéo dài thời hạn giảm thuế đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp thêm một năm sau khi Cơ quan Dịch vụ Tài chính phản đối việc kết thúc chương trình này vào cuối năm 2010 như dự kiến trước đó. Vòng quanh các thị trường Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 14/12:
Nguồn: VietstockFinance
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên 3.29%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với bảng Anh, đồng JPY và đồng EUR với chỉ số đồng USD trượt mạnh 1.05% xuống 79.22.
Giá vàng giao tháng 2 trên sàn COMEX tại New York tăng 13.10 USD/oz lên 1,398 USD/oz. Mức cao nhất và thấp nhất của giá vàng trong ngày là 1,400.20 USD/oz và 1,380.80 USD/oz.
Lượng vàng dự trữ của Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới tính đến ngày 12/10 giảm xuống còn 1,289.83 tấn từ mức 1,293.778 tấn vào ngày 09/12.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 trên sàn NYMEX tăng 82 cent lên 88.61 USD/thùng sau khi vọt lên tới 89.49 USD/thùng vào đầu phiên.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 14/12: New Zealand - 04h45: Doanh số bán lẻ Australia - 07h30: Niềm tin kinh doanh Nhật Bản - 11h30: Sản lượng công nghiệp - 11h30: Công suất thâm dụng Anh - 16h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Eurozone - 17h00: Sản lượng công nghiệp Đức - 17h00: Các điều kiện kinh tế hiện tại Mỹ - 20h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) - 20h30: Doanh số bán lẻ (trừ ôtô) - 02h15: (ngày 15/12) Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) |
Nguồn: Vietstock