Các thông tin về nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã thu hút toàn bộ sự chú ý của các thị trường tài chính trong ngày 14/03. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bơm khẩn 15 ngàn tỷ JPY (183 tỷ USD) vào hệ thống tài chính và nới lỏng chính sách tiền tệ, Moody’s cho rằng động đất tại Nhật Bản chỉ gây áp lực tài chính tạm thời, chỉ số Nikkei 225 trượt dài tới 6.2%...
Thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa
Châu Á: Thị trường tài chính Nhật chao đảo vì động đất, sóng thần
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định bơm 15 ngàn tỷ JPY (183 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nhằm khôi phục niềm tin của các thị trường sau thảm họa động đất và sóng thần tại nước này.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống, BOJ quyết định mở rộng nguồn ngân quỹ để thực hiện chương trình mua tài sản và tiến hành các hoạt động thị trường thêm 5 ngàn tỷ JPY (61 tỷ USD) lên 40 ngàn tỷ JPY. Ngoài ra, BOJ còn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0-0.1%.
Đà bán tháo mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai đã khiến giá trị thị trường của sàn chứng khoán Tokyo giảm tới 287 tỷ USD. Chỉ số Nikkei 225 lao dốc 6.2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008 với khoảng 4.88 tỷ cổ phiếu được sang tay, mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới II.
Moody’s cho rằng thiên tai tại Nhật Bản chỉ gây sức ép tài chính tạm thời và ảnh hưởng rất ít đến quyết định liệu có hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này. Thay vào đó, cơ quan này sẽ tập trung vào khả năng cắt giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Nhật. Cuối tháng trước, Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Nhật Bản từ “ổn định” xuống “tiêu cực” đồng thời cảnh báo có thể hạ bậc xếp hạng nếu Chính phủ nước này không thể kiểm soát được khoản nợ công khổng lồ.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo dư nợ tín dụng tháng 2 tại nước này đứng ở mức 535.6 tỷ Nhân dân tệ (81.52 tỷ USD), thấp hơn 192.9 tỷ Nhân dân tệ so với tháng 2/2009. Cung tiền M2 tăng 15.7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 73.61 ngàn tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng 2. Mức tăng trên cũng thấp hơn 9.8% so với cùng kỳ 2009.
Standard & Poor's (S&P) cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với bất ổn rất lớn nếu lạm phát vẫn còn đứng ở mức cao vì điều này có thể dẫn đến những phản ứng quá mức về chính sách. Nhà phân tích tín dụng Kim Eng Tan của S&P cho rằng: “Các nhà làm chính sách có thể thực hiện những thay đổi lớn trong các công cụ chính sách trực tiếp và tiền tệ nhằm hạ thấp lạm phát, do đó sản lượng kinh tế có thể biến động mạnh”.
Lạm phát tại Ấn Độ bất ngờ tăng tốc trong tháng 2, qua đó gia tăng áp lực lên ngân hàng trung ương nước này về việc nâng lãi suất lần thứ 8 trong vòng một năm qua. Cụ thể, chỉ số giá bán sỉ tăng vọt 8.31% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 8.23% trong tháng 1 và cao hơn dự báo 7.8% của các nhà kinh tế.
Mỹ: Tỷ phú Warren Buffett mua Lubrizol với giá 9 tỷ USD
Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vừa thông báo mua lại công ty hóa chất Lubrizol với giá 9 tỷ USD bằng tiền mặt, cao hơn 28% so với giá trị thị trường của công ty này. Theo ông, đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử của Berkshire Hathaway. Được biết, lợi nhuận ròng năm 2010 của Lubrizol tăng 46% lên 749 triệu USD.
Châu Âu: Tăng lãi suất có thể làm chệch hướng phục hồi kinh tế Anh
Theo Tổ chức nghiên cứu BDO, việc tăng lãi suất trong các tháng tới tại Anh có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Theo BDO, đà tăng trưởng kinh tế Anh vẫn còn ảm đạm và việc nâng lãi suất sớm có thể khiến tình trạng yếu kém kéo dài.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 14/03:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 3.36%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm nhẹ so với đồng JPY sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cam kết hỗ trợ hệ thống tài chính sau trận động đất kinh hoàng tại nước này.
Đồng bạc xanh cũng giảm so với bảng Anh và đồng EUR.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX tại New York cộng 3.10 USD/oz (0.2%) lên 1,424.90 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn NYMEX nhích 3 cent lên 101.19 USD/thùng sau khi xuống tới 98.47 USD/thùng vào đầu phiên.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 15/03: Australia - 7h30: Biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Mỹ - 19h30: Chỉ số sản xuất bang New York - 19h30: Giá xuất khẩu, giá nhập khẩu - 01h15 (16/03): Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) |
Nguồn: Vietstock