Ngày 15/07, thị trường tài chính thế giới đón nhận hàng loạt sự kiện quan trọng, nổi lên trong đó là việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cải cách tài chính lịch sử, Nhật nâng dự báo tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Trung Quốc mở rộng chậm trong quý 2, Tây Ban Nha đấu giá trái phiếu thành công.
Kinh tế Mỹ
Với tỷ lệ 60 phiếu thuận và 39 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật quan trọng nhằm thắt chặt các quy định trong ngành tài chính, kết thúc nỗ lực kéo dài gần một năm qua với mục đích ngăn chặn sự tài diễn của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Theo dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ đặt bút ký thành luật vào ngày thứ Sáu.
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh 29 ngàn người xuống 429 ngàn người, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2008 đồng thời thấp hơn dự đoán giảm xuống 450 ngàn người từ các nhà kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 rớt 0.5%, mạnh hơn dự báo hạ 0.1% và mức giảm 0.3% trong tháng 5. PPI cơ bản (trừ năng lượng và thực phẩm) nhích 0.1% sau khi tăng 0.2% trong tháng 5.
Chỉ số sản xuất bang New York lao dốc từ 19.57 điểm xuống 5.08 điểm trong tháng 7, xấu hơn dự báo giảm xuống 18 điểm của các nhà kinh tế.
Kinh tế châu Âu
Hôm thứ Năm, Tây Ban Nha bán 3 tỷ EUR (tương đương 3.8 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lợi suất 5.116%, cao hơn mức 4.434% trong cuộc đấu giá tương tự hôm 22/04. Kết quả này cùng với sự thành công trong các cuộc đấu giá trái phiếu gần đây của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ý cho thấy niềm tin vào khu vực ngày càng được củng cố.
Kinh tế châu Á
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố GDP 6 tháng đầu năm của nước này tăng trưởng 11.1%. Riêng trong quý 2, GDP tăng 10.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai kết quả trên đều thấp hơn so với tốc độ phát triển 11.9% trong quý 1.
Trong khi đó, lạm phát trong tháng qua tăng 2.9%, thấp hơn mức 3.1% của tháng 5 và dự báo 3.3% của các nhà kinh tế.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 tăng 6.4% so với cùng kỳ 2009, thấp hơn so với ước tính tăng 6.8%.
Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cùng tháng lần lượt tăng 13.7% và 18.3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kém khả quan hơn dự báo tăng 15.3% và 18.8% từ giới chuyên gia.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm tài chính 2010 lên 2.6% nhờ kỳ vọng vào sự phát triển mạnh của hai lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất. Đồng thời, BOJ giữ nguyên lãi suất ở mức 0.1% áp dụng từ tháng 12/2008 nhằm đối phó với giảm phát.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 7.41 điểm (0.07%) xuống 10,359.31 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất chỉ 0.76 điểm (0.03%) đóng cửa tại 2,249.08. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 cộng 1.31 điểm (0.12%) lên 1,096.48 điểm.
Trên thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 42.23 điểm (0.80%) xuống 5,211.29 điểm, chỉ số DAX của Đức hạ 60.40 điểm (0.97%) xuống 6,149.36 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp rớt 51.16 điểm (1.41%) đóng cửa tại 3,581.82 điểm.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản rớt 1.12%, Kospi của Hàn Quốc trừ 0.38%, Straits Times của Singapore hạ 0.31%, All Ordinaries của Australia mất 0.46%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc trượt 1.87%, Hang Seng của Hồng Kông giảm 1.48%, chỉ số Taiex của Đài Loan mất 0.13%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.05% xuống 2.98%.
Trên thị trường Mỹ, đồng euro tăng so với đồng đôla và chạm mức cao 2 tháng; đồng đôla giảm so với đồng JPY.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 1.20 USD/oz lên 1,209.50 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX tăng 26 cent lên 76.88 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 16/07: Mỹ: - Niềm tin tiêu dùng tháng 6 - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 - General Electric công bố lợi nhuận quý 2 - Citigroup công bố lợi nhuận quý 2 - Bank of America công bố lợi nhuận quý 2 New Zealand: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2 |
Reuters, CNN Money