GDP quý 3 Nhật tăng trưởng vượt dự báo, thâm hụt ngân sách và nợ công 2009 của Hy Lạp cao nhất Eurozone, Moody’s cho rằng Mỹ không thể thực hiện trọn vẹn kế hoạch cắt giảm 4 ngàn tỷ USD thâm hụt ngân sách đến năm 2020, Chính phủ Ireland và các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng,…là các điểm nhấn kinh tế tài chính trong 24h qua.
Mỹ: Không bị hạ bậc tín nhiệm nếu tiếp tục giảm thuế
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết Mỹ sẽ không bị hạ bậc tín nhiệm nếu nước này kéo dài chương trình cắt giảm thuế được phê chuẩn dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Theo Moody’s, các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách bớt 4 ngàn tỷ USD đến năm 2020 do các nhà lãnh đạo Ủy ban Quốc hội đề xuất sẽ có lợi cho mức xếp hạng Aaa của nước này. Tuy nhiên Moody’s cho rằng Mỹ không thể thực hiện trọn vẹn kế hoạch trên.
Doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 1.2%, mức gia tăng mạnh nhất trong vòng 7 tháng qua đồng thời cao gấp đôi so với dự báo 0.6% của các nhà phân tích.
Lượng hàng tồn kho doanh nghiệp tháng 9 tăng 0.9%, cao hơn so với dự báo 0.6% của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy nhu cầu không thể bắt kịp được với nguồn cung.
Lần đầu tiên kể từ giữa năm 2009, chỉ số các điều kiện kinh doanh đầu tháng 11 tại bang New York rớt xuống dưới mức 0% khi đánh mất 27 điểm xuống -11.1 điểm.
Châu Âu: Loay hoay trong vòng xoáy nợ công và thâm hụt ngân sách
Theo số liệu điều chỉnh của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt ngân sách 2009 của Hy Lạp tăng lên 15.4% GDP so với mức công bố ban đầu là 13.6%. Cơ quan này dự báo tổng nợ công 2009 sẽ đứng ở mức 126.8% GDP, cao hơn so với ước tính lần trước là 115%. Kết quả điều chỉnh trên đã khiến Hy Lạp trở thành quốc gia có thâm hụt ngân sách và nợ công cao nhất Eurozone. Riêng năm 2010, Bộ Tài chính Hy Lạp dự báo mức thâm hụt ngân sách chiếm 9.4% GDP trong khi nợ công có thể vọt lên tới 144% GDP.
Sau khi khăng khăng từ chối việc Ireland sắp nhận gói giải cứu từ EU, Thủ tướng Brian Cowen cho biết Chính phủ Ireland và các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng nước này vào ngày 16/11. Ông Cowen nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác về cách thức tốt nhất để bình ổn hệ thống tài chính trong Eurozone.” Ông nhấn mạnh Ireland không hề có ý định nhận bất kỳ gói giải cứu nào và cho rằng các cuộc thảo luận ngày 16/11 sẽ không đem lại kết quả cụ thể.
Châu Á: Tăng trưởng Nhật vượt dự báo, lạm phát Ấn Độ giảm
Kinh tế Nhật tăng trưởng 0.9% trong quý 3, cao hơn gấp đôi so với mức 0.4% trong quý 2 và vượt dự báo 0.6% của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 3 tăng 3.9%, cao hơn ước tính 2.5% và bỏ xa mức 1.8% (đã được điều chỉnh) trong quý trước. Kết quả này đánh dấu quý tăng trưởng thứ tư của nền kinh tế Nhật Bản.
Lạm phát của Ấn Độ tăng chậm lại trong tháng 10 xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Cụ thể, chỉ số giá bán buôn tăng 8.58% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 8.62% trong tháng 9. Điều này sẽ làm giảm sức ép tăng lãi suất đối với Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI). Được biết, Ấn Độ đã 6 lần tăng lãi suất và trở thành quốc gia tăng lãi suất nhanh nhất châu Á trong năm nay.
Giới phân tích đưa ra các dự báo trái chiều về quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) trong ngày 16/11. Theo đó, 6/13 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo BOK có thể tăng lãi suất thêm 0.25% lên 2.5%. Trong khi đó, 7/13 nhà kinh tế còn lại dự báo lãi suất không thay đổi ở mức 2.25%.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 15/11:
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh từ 2.76% lên 2.95%.
Đồng USD tăng so với đồng EUR, đồng JPY và bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 3 USD/oz lên 1,365.50 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn NYMEX giảm 2 cent xuống 84.86 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 16/11: Australia - 07h30: Biên bản cuộc họp của RBA Anh - 16h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - 16h30: Chỉ số giá bán lẻ Đức - 16h30: Kết quả cuộc khảo sát tình hình kinh tế Eurozone - 17h00: Lạm phát Mỹ - 20h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) - 21h15: Sản lượng công nghiệp - 22h00: Chỉ số thị trường nhà ở |
Nguồn: vietstock