Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 17/05: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Nợ công Mỹ chạm trần, Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ tháng thứ 5 liên tiếp, EU thông qua gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha, lạm phát Ấn Độ suy yếu nhưng cao hơn dự báo,… là các thông tin tác động nhiều nhất đến các thị trường trong ngày 16/05.

 

 

Mỹ giảm đầu tư khi nợ công chạm trần 14.3 ngàn tỷ USD

Bộ Tài chính Mỹ thông báo nước này vừa chạm trần nợ 14.3 ngàn tỷ USD trong ngày thứ Hai và sẽ tạm ngừng đầu tư vào hai quỹ hưu trí lớn của Chính phủ để tránh phá vỡ mức trần này tới ngày 02/08.

Nhu cầu đối với các tài sản tài chính dài hạn của Mỹ suy yếu trong tháng 3 khi nhà đầu tư chuyển sang các chứng khoán ngắn hạn hơn và Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc tháng thứ 5 liên tiếp. Bộ Tài chính Mỹ thông báo lượng mua ròng các chứng khoán dài hạn, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, đạt 24 tỷ USD, thấp hơn dự báo 33 tỷ USD và mức 27.2 tỷ USD trong tháng trước. Nếu bao gồm các chứng khoán ngắn hạn như hợp đồng hoán đổi cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 116 tỷ USD, cao hơn so với mức 96.5 tỷ USD trong tháng trước.

Châu Âu: EU thông qua gói cứu trợ 110 tỷ USD cho Bồ Đào Nha

Các nhà lãnh đạo tài chính châu Âu vừa phê chuẩn gói giải cứu 78 tỷ EUR (tương đương 110 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha và cho rằng khoản vay này đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính của Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Số tiền dành cho gói giải cứu này đến từ Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSM), Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (EFSF) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong đó, mỗi bên đóng góp 26 tỷ EUR.

Châu Á: Thặng dư thương mại năm 2011 của Trung Quốc có thể xuống 100 tỷ USD

Tờ China Securities Journal trích dự báo của ông Li Daokui, cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), rằng thặng dư thương mại của nước này sẽ giảm xuống còn 100-120 tỷ USD trong năm 2011.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong tháng 4 do hậu quả tàn khốc của thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/03 vẫn còn tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng. Theo đó, chỉ số này giảm từ 38.6 điểm xuống 33.1 điểm. Mức dưới 50 điểm cho thấy sự bi quan của người tiêu dùng.

Số đơn đặt hàng nhà máy cơ bản tăng 2.9% trong tháng 3, đánh dấu tháng gia tăng đầu tiên trong hai tháng. Tổng giá trị của số đơn đặt hàng đạt 777.6 tỷ JPY (tương đương 9.61 tỷ USD), cao hơn so với mức 748.8 tỷ JPY trong tháng 2.

Chỉ số giá bán sỉ, thước đo lạm phát chính của Ấn Độ, tăng 8.66% trong tháng 4, thấp hơn mức 8.98% trong tháng 3 nhưng cao hơn dự báo 8.5% của 19 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg.

Vòng quanh các thị trường

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 17/05:

 

Nguồn: VietstockFinance

 

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3.15%.

Đồng USD giảm so với đồng EUR, đồng JPY và bảng Anh.

Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York giảm 3 USD/oz (0.2%) xuống 1,490.60 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn NYMEX giảm 2.28 USD/thùng (2.3%) xuống 97.37 USD/thùng.

 

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 17/05:

Australia

- 08h30: RBA công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 5

Anh

- 15h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

- 15h30: Chỉ số giá bán lẻ

Đức

- 16h00: Các điều kiện kinh tế hiện tại

Mỹ

- 19h30: Số nhà mới khởi công

- 19h30: Số nhà được cấp phép xây mới

- 20h15: Sản lượng công nghiệp

- 20h15: Công suất thâm dụng

 

 

 

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM