Shanghai Composite lao dốc 4%, các thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, lượng mua ròng các loại tài sản của Mỹ suy giảm trong tháng 10, chỉ số niềm tin kinh tế Đức và lạm phát Anh bất ngờ tăng mạnh, Hàn Quốc tăng lãi suất lần thứ hai trong năm, Trung Quốc hạn chế đầu tư bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài, FDI vào Trung Quốc tăng tốc tháng thứ 3 liên tiếp,… là các thông tin quan trọng trong 24h qua. Mỹ: Mối quan tâm vào các tài sản của Mỹ giảm Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhu cầu cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản tài của Mỹ trên toàn thế giới trong tháng 9 giảm so với tháng trước. Tổng lượng mua ròng cổ phiếu, tín phiếu và trái phiếu dài hạn tháng 9 đạt 81.0 tỷ USD, thấp hơn mức 128.7 tỷ USD trong tháng 8. Nếu bao gồm các chứng khoán ngắn hạn, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 81.7 tỷ USD, giảm so với mức 112 tỷ USD trong tháng trước. Trung Quốc vẫn là nước mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều nhất trong tháng 9 vừa qua khi tỷ lệ nắm giữ của nước này tăng thêm 15.1 tỷ USD lên 883.5 tỷ USD từ mức 868.4 tỷ USD trong tháng trước. Ông James Bullard, Chủ tịch Cục Dự trữ bang St. Louis cho rằng FED sẽ giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu kho bạc trị giá 600 tỷ USD chỉ khi nền kinh tế đạt được những cải thiện đáng kể. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 tăng 0.4%, bằng với mức tăng trong 2 tháng trước nhưng thấp hơn một nửa so với dự báo 0.8% của giới phân tích. PPI cơ bản (trừ giá năng lượng) giảm 0.6%, mạnh hơn dự báo giảm 0.1%. Sản lượng công nghiệp tháng 10 không thay đổi, trái với dự báo tăng 0.3% của các nhà kinh tế sau khi giảm 0.2% trong tháng trước. Châu Âu: Không có gói giải cứu, lạm phát tăng mạnh Các bộ trưởng tài chính của 16 quốc gia Eurozone đang bàn về một số biện pháp hỗ trợ các ngân hàng khó khăn của Ireland, qua đó chấm dứt các tin đồn về gói giải cứu khẩn cấp đành cho nước này cũng như không gây ra những cơn chấn động mới đến thị trường trái phiếu. Tại cuộc họp, các bộ trưởng khen ngợi kế hoạch cắt giảm ngân sách của Ireland và Ireland tiếp tục khẳng định nước này sẽ không cần tiền từ EU. Chỉ số niềm tin kinh tế tháng 11 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu (ZEW) khảo sát ghi nhận sự cải thiện đáng kể từ mức -7.2 điểm trong tháng 10 lên 1.8 điểm, vượt dự báo tăng lên -4 điểm của các nhà kinh tế. Chỉ số các điều kiện kinh tế hiện tại cũng bất ngờ tăng từ mức 72.6 điểm trong tháng 10 lên 81.5 điểm trong tháng 11. Ông Wolfgang Franz, Chủ tịch ZEW cho rằng không nên quá lạc quan về hoạt động kinh tế Đức trong năm tới. Theo ông, dù GDP thực dược dự báo tăng 2.2% trong năm 2011 nhưng các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều sẽ suy giảm đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Anh bất ngờ tăng mạnh lên 3.2% do giá nhiên liệu tăng cao, trái với dự báo không thay đổi ở mức 3.1% của các nhà phân tích và vượt mức trần 2%. Thông tin này sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiếp tục gặp khó khăn trong các quyết định chính sách. Được biết, lạm phát tại Anh đã vượt mức trần 2% tháng thứ 11 liên tiếp. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm ngân sách mạnh tay nhất kể từ Thế chiến II vừa được nước này công bố có thể giúp lạm phát suy giảm trong 2 năm tới. Châu Á: Tăng lãi suất để ngăn lạm phát Theo thông báo chung của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) và Bộ Phát triển Nhà ở và Nông thôn - Đô thị, Trung Quốc sẽ hạn chế nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đầu tư và thị trường bất động sản nước này. Người nước ngoài sẽ chỉ được sở hữu một căn nhà và các công ty chỉ được mua các bất động sản thương mại với mục đích sử dụng rõ ràng. Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này tăng tốc tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10, chứng tỏ được niềm tin về triển vọng của nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đồng thời gia tăng sức ép lên tỷ giá của nước này. FDI tháng 10 tăng 7.9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7.66% sau khi tăng 6.1% trong tháng 9. FDI 10 tháng đầu năm tăng 15.7% lên 82 tỷ USD. Lần thứ hai trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) nâng lãi suất thêm 0.25% lên 2.5% sau khi lạm phát tháng 10 leo thang lên 4.1%, vượt mức trần 4% của BOK. Ngày 09/07 vừa qua, Hàn Quốc đã gây sốc các thị trường tài chính thế giới khi tăng lãi suất thêm 0.25% lên 2.25% từ mức thấp kỷ lục 2% được giữ nguyên từ tháng 10/2008, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ. Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 11, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cho rằng mặc dù các tranh luận về động thái nâng lãi suất của RBA là “tương đối cân bằng” nhưng thắt chặt chính sách là một quyết định đúng đắn. Ngoài ra, biên bản còn cho thấy RBA đang tập trung vào nền kinh tế và triển vọng lạm phát. Được biết, lần đầu tiên trong 6 tháng qua, RBA đã bất ngờ nâng lãi suất thêm 0.25% lên 4.75% vào ngày 02/11. Vòng quanh các thị trường Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 16/11: Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.91% xuống 2.84%. Đồng USD tăng so với đồng EUR, bảng Anh và đồng JPY. Chỉ số đồng USD tăng 0.9%. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm 28.50 USD/oz xuống 1,340 USD/oz. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn NYMEX giảm mạnh 2.52 USD/thùng (tương đương 3%) xuống 82.34 USD/oz. Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 17/11: Anh - 16h30: Tỷ lệ thất nghiệp - 16h30: Biên bản cuộc họp của BOE Mỹ - 20h00: Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - 20h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - 21h15: Doanh số nhà mới khởi công - 22h30: Dự trữ dầu thô
Nguồn: Vietstock