Giá vàng phá kỷ lục mới tại 1,248.70 USD/oz, lạm phát Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp, các cuộc đấu giá nợ tại Tây Ban Nha và Pháp tiếp tục thu hút được lực cầu mạnh từ nhà đầu tư, các quyết định từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels (Bỉ)…chính là các tiêu điểm kinh tế tài chính thế giới hôm Thứ Năm 17/06. Kinh tế Mỹ Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng thêm 12,000 người lên 472,000 người trong tuần kết thúc ngày 12/06. Mức gia tăng này cao hơn so với dự báo khoảng 450,000 người Mỹ nộp đơn xin nhận trợ cấp tỷ lệ thất nghiệp trong tuần qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 5 đi xuống tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ mạnh nhất trong một năm rưỡi qua, giảm 0.2% so với dự báo giảm 0.1%. CPI cơ bản (trừ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0.1% sau khi đứng yên trong tháng trước đó. Hoạt động sản xuất bang Philadelphia tiếp tục mở rộng nhưng với tốc độ chậm trong Tháng 5. Chỉ số sản xuất giảm mạnh xuống 8 điểm từ mức 21.4 điểm trong tháng trước, xấu hơn dự báo giảm xuống 20 điểm của các nhà kinh tế. Các chỉ báo kinh tế hàng đầu (LEI) Tháng 5 tăng 0.4%, thấp hơn dự báo tăng 0.5% sau khi đi ngang trong Tháng 4. Kinh tế châu Âu Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu, các nhà lãnh đạo EU quyết định hạn chế nợ bằng cách áp dụng hình phạt đối với các quốc gia chi tiêu quá mức, công bố khả năng thanh toán nợ của các ngân hàng và giới thiệu các mức thuế mới dành cho hệ thống tài chính trong một nỗ lục nhằm xua tan những khó khăn tại đang “bủa vây” Tây Ban Nha. 27 nhà lãnh đạo EU cũng lập ra các nguyên tắc cơ bản nhằm giám sát các nền kinh tế EU, đặc biệt là đối với khu vực eurozone. Lực cầu mạnh của các cuộc đấu giá tổng cộng 3.5 tỷ EUR trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm tại Tây Ban Nha hôm Thứ Năm đã giúp xoa dịu nỗi lo sợ rằng nước này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ tương tự Hy Lạp. Lợi tức tối đa đối với 3 tỷ EUR (tương đương 3.7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 4.911%, trong khi lợi tức tối đa đối với 479 tỷ EUR trái phiếu kỳ hạn 30 năm là 5.937%. Tương tự, Pháp cũng bán thành công gần 8 tỷ EUR tín phiếu ngắn hạn và 1.8 tỷ EUR trái phiếu ngừa lạm phát. Cơ quan Thống kê Anh (ONS) thông báo, doanh số bán lẻ Tháng 5 tại Anh tăng 0.6% so với tháng trước và 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn dự báo tăng 0.3% so với tháng trước và 2.1% so với cùng kỳ năm 2009 của các nhà kinh tế. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) ngày Thứ Năm cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng và chuẩn bị áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định giá nếu xảy ra rủi ro sụt giá và nguy cơ xảy ra lạm phát do sự tăng giá của đồng franc Thụy Sỹ. Theo đó, SNB giữ nguyên lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng ở mức 0-0.75%. SNB cho rằng sự suy yếu của đồng EUR so với đồng franc Thụy Sỹ đã tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu, nhưng lĩnh vực này đã được bù đắp bởi sự tăng trưởng của nhu cầu nước ngoài. Ngân hàng này kỳ vọng lạm phát đứng ở mức 0.9% vào năm 2010, 1% vào năm 2011 và 2.2% vào năm 2012. Kinh tế châu Á Nhật Bản sẽ nỗ lực thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách hạ thuế doanh nghiệp cùng với việc áp dụng một số biện pháp khác. Nhật báo Nikkei Business cho biết chính phủ Nhật đang phát thảo chi tiết 21 chính sách nhằm biến Nhật Bản trở thành “một địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa”. Bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và tạo ra nhiều ưu đãi, các chính sách cũng sẽ hạ thuế doanh nghiệp từ mức 40% như hiện nay, mức cao nhất trên thế giới. Được biết trước đó, các quốc gia như Ireland cũng đã thu hút được một lượng đáng kể nhà đầu tư nước ngoài nhờ mức thuế danh nghiệp tương đối thấp. Chuyên gia đầu tư đồng thời là nhà phê bình chính sách tiền tệ nổi tiếng của Mỹ, Jeremy Grantham, cho rằng Trung Quốc có thể tránh được sự sụp đổ của bong bóng nhà đất như ở các nước phương Tây. Theo ông, các biện pháp đối phó với tình trạng leo thang của giá cả bất động sản tại Trung Quốc mang tính chất “thử nghiệm” và tình hình tại Trung Quốc không nghiêm trọng như ở Mỹ trước kia. Ông cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang thử nghiệm những phương pháp mới và họ thực sự ý thức được những rủi ro tiềm ẩn. Được biết ông Jeremy Grantham là người đã tiên đoán chính xác sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ trong thập niên qua. Vòng quanh các thị trường Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng 24.71 điểm (0.24%) lên 10,434.17 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1.43 điểm (0.13%) lên 1,116.04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 1.23 điểm (0.05%) lên 2,307.16 điểm. Thị trường châu Âu tăng điểm với chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.3%, chỉ số DAX của Đức cộng 0.5% và chỉ số CAC 40 của Pháp nhích 0.2%. Chứng khoán châu Á khép cửa trong trạng thái trái chiều, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0.7%, Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 0.4%; trong khi Hang Seng của Hồng Kông tăng 0.4%, Kospi của Hàn Quốc cộng 0.2%. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.28% xuống 3.19%. Trên thị trường Mỹ, đồng EUR tăng 0.6% so với đồng USD, đồng bạc xanh giảm 0.7% so với đồng JPY. Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng vọt 18.20 USD/oz lên mức cao mọi thời đại 1,248.70 USD/oz. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX giảm 1.31 USD/thùng xuống 76.36 USD/thùng.
(Vietstock)