Standard & Poor's và Moody’s bất đồng quan điểm về mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ, giá vàng chạm kỷ lục sát 1,500 USD/oz, Thống đốc PBOC cho rằng Trung Quốc cần phải giảm dự trữ ngoại tệ, Đức nghi ngờ Hy Lạp khó tránh khỏi tái cấu trúc nợ, ECB có thể tiếp tục nâng lãi suất, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của các quốc gia Eurozone gia tăng mạnh,… là các điểm nhấn kinh tế tài chính trong 24h qua.
Standard & Poor's thông báo hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực và cho biết 33% khả năng tổ chức này sẽ hạ bậc tín nhiệm của Mỹ trong vòng hai năm tới nếu Washington không thể cắt giảm nợ công. Dù S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức AAA nhưng bày tỏ hoài nghi về khả năng của Washington trong việc nhanh chóng cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Moody’s cho rằng đề xuất ngân sách mới nhất từ Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Cộng hòa có thể làm giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ cũng như khá tích cực đối với mức xếp hạng tín nhiệm AAA của nước này. Cả hai đề xuất đều cho thấy Mỹ đã sẵn sàng trong việc cải thiện triển vọng nợ công. Chuyên gia tín dụng Steven Hess của Moody’s nhận định: “Cả đề xuất của Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa sẽ giúp cải thiện mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ”.
Chỉ số thị trường nhà ở của Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAHB) giảm xuống 16 điểm trong tháng 4, thấp hơn so với dự báo không thay đổi ở mức 17 điểm của các nhà kinh tế.
Châu Âu: ECB có thể tiếp tục nâng lãi suất, Hy Lạp không thể tránh khỏi tái cấu trúc nợ
Các thành viên hội đồng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ có thể duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm nay nhằm ngăn chặn lạm phát khi nền kinh tế phục hồi ngày càng mạnh. Thành viên hội đồng người Áo, ông Ewald Nowotny cho biết kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 0.5% trong năm 2011 của nhà đầu tư là “rất có cơ sở”. Trong khi đó, thành viên hội đồng người Bỉ, ông Luc Coene cho rằng “các điều kiện tiền tệ hiện nay là khá thích hợp”.
Các nguồn tin từ chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Hy Lạp không thể tránh khỏi việc tái cấu trúc nợ vào mùa hè này. Các nguồn tin trên cho biết thêm điều này không đồng nghĩa với việc Chính phủ Đức đang hối thúc Hy Lạp tái cấu trúc nợ mà là cho rằng điều này là không thể tránh khỏi.
Chi phí bảo hiểm nợ của Hy Lạp tăng vọt sau khi cho nguồn tin cho rằng đầu tháng này, Hy Lạp đã xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, các nguồn tin của Bộ Tài chính Hy Lạp đã phủ nhận thông tin trên. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm đối với nợ công của Hy Lạp tăng 0.84% lên 12.2% (tức cần có 1.22 triệu EUR để bảo vệ 10 triệu EUR trái phiếu Chính phủ Hy Lạp). CDS của các quốc gia Eurozone khác cũng tăng mạnh.
Châu Á: Trung Quốc cần phải giảm dự trữ ngoại hối
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Châu Tiểu Xuyên cho rằng nước này cần phải giảm dự trữ ngoại tệ khi nguồn ngoại tệ này vượt qua mức yêu cầu. Ông cho rằng Trung Quốc cần cải thiện việc quản lý và đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ hiện đang đứng ở mức trên 3,000 tỷ USD. Theo ông, đà gia tăng nhanh chóng của nguồn dự trữ ngoại hối đang gây sức ép lên hoạt động can thiệp tiền tệ của PBOC.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 18/04:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3.37%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng mạnh 1.4% so với đồng EUR và 0.4% so với bảng Anh. Chỉ số đồng USD tăng 0.8%.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York tăng 6.90 USD/oz (0.5%) lên mức cao mọi thời đại 1,492.90 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn NYMEX rớt 2.54 USD/thùng (2.3%) xuống 107.12 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 19/04: Australia - 08h30: Biên bản cuộc họp của RBA |
Nguồn: Vietstock