Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khả quan nhưng rủi ro xuất hiện Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 18/07 Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.95% xuống 2.93%.Moody’s cho rằng Mỹ nên xóa bỏ trần nợ, Fitch tái cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ từ 2% xuống 1.5%, nhu cầu toàn cầu đối với các tài sản của Mỹ tăng 23.6 tỷ USD trong tháng 5,… là các thông tin đáng chú ý về nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ngày 18/07.
Kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng bền vững trong năm nay và năm tới nhờ sự dẫn dắt của các nền kinh tế mới nổi. Theo dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4.1% trong năm 2011 và 4.3% trong năm kế tiếp. Tuy nhiên, những khó khăn tài chính đang nổi lên tại châu Âu và nhiều khả năng xuất hiện tại Mỹ có thể khiến đà phục hồi trở nên rời rạc. Triển vọng của đa số các nền kinh tế G7 đều ảm đạm hơn so với cuộc khảo sát trong tháng 4. Được biết, đây là cuộc khảo sát định kỳ hàng quý do Reuters tiến hành đối với 350 nhà kinh tế trên toàn thế giới.
Moody’s: Mỹ nên xóa bỏ trần nợ
Moody’s cho rằng Mỹ nên xóa bỏ trần nợ công để giảm rủi ro cho những người nắm giữ trái phiếu. Moody’s nhận định trong báo cáo, Mỹ là một trong số ít các quốc gia thiết lập trần nợ công và điều này sẽ thường xuyên gây ra bất ổn về khả năng đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Nhà phân tích Steven Hess của Moody’s cho biết trong báo cáo: “Chúng tôi sẽ cắt giảm các đánh giá về mức độ rủi ro khi Chính phủ thay đổi quy định về quản lý nợ công nhằm hạ thấp hoặc xóa bỏ các bất ổn như hiện nay”. Được biết, tuần trước Moody’s cảnh báo thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ nếu nước này không đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ.
Fitch tái cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Mỹ
Fitch nhắc lại lời cảnh báo trước đó rằng nếu Mỹ không nâng trần nợ trước ngày 02/08, tổ chức này có thể đưa xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào diện xem xét hạ bậc. Điều này đồng nghĩa với việc Fitch có thể cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của Mỹ trong vòng 3-6 tháng tới. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn tin tưởng rằng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước thời hạn chót do Bộ Tài chính Mỹ đặt ra.
Nhu cầu toàn cầu đối với các tài sản của Mỹ tăng 23.6 tỷ USD
Trong tháng 5, nhu cầu toàn cầu đối với cổ phiếu, trái phiếu, và các tài sản tài chính khác của Mỹ tăng so với tháng trước với việc Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường nắm giữ các chứng khoán Chính phủ Mỹ. Cụ thể, lượng mua ròng cổ phiếu, tín phiếu, và trái phiếu đạt 23.6 tỷ USD trong tháng 5, thấp hơn so với mức 30.6 tỷ USD trong tháng 4. Tuy nhiên, nếu bao gồm các chứng khoán ngắn hạn như hợp đồng hoán đổi cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 67.5 tỷ USD, cao hơn so với mức 66.6 tỷ USD trong tháng trước.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 2/2011 của Mỹ từ 2% xuống 1.5%, thấp hơn mức tăng trưởng 1.9% trong quý 1 do chi tiêu tiêu dùng yếu kém. Loạt số liệu ảm đạm về doanh số bán lẻ, sản xuất, niềm tin tiêu dùng được công bố trong tuần trước cho thấy các yếu tố cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế không còn là yếu tố tạm thời như các nhận định trước đó. Được biết, thời tiết xấu và giá hàng hóa cao là nguyên nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 1/2011. Còn trong quý 2, sự gián đoạn chuỗi nguồn cung sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/03 là yếu tố khiến nền kinh tế giảm tốc.
Vòng quanh các thị trường
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR. Chỉ số đồng USD tăng từ 75.15 USD lên 75.49 USD.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 12.30 USD/oz (0.8%) lên 1,602.40 USD/oz, đánh dấu 10 phiên liền leo dốc.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 trên sàn NYMEX giảm 1.31 USD/thùng (1.4%) xuống 95.93 USD/oz.
Nguồn tin: Vietstock