Sự sụt giảm mạnh của các thị trường tài chính Hungary sau khi IMF và EU trì hoãn việc cung cấp khoản tín dụng 25.1 tỷ EUR dành cho nước này, Moody’s hạ một bậc tín nhiệm của Ireland, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có kế hoạch tăng nguồn ngân sách tín dụng thêm 250 tỷ USD lên 1,000 tỷ USD là các tin có sức ảnh hưởng mà nhà đầu tư thế giới nhận được trong ngày đầu tuần 19/07.
Kinh tế Mỹ
Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ (NAHB) cho biết chỉ số niềm tin của các nhà xây dựng tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua. Chỉ số thị trường nhà ở cùng tháng giảm 2 điểm xuống 14 điểm từ mức đã được điều chỉnh trong tháng trước.
Kinh tế châu Âu
Mối quan ngại về khủng hoảng nợ châu Âu xuất hiện trở lại vào ngày thứ Hai sau khi Ireland bị hạ vị thứ xếp hạng tín nhiệm và các cuộc đàm phán giữa Hungary và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rơi vào bế tắc.
Theo đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày thứ Hai 19/07 cắt giảm một bậc xếp hạng của Ireland từ Aa1 xuống Aa2 nhưng nhận định triển vọng vẫn còn ổn định.
Đồng forint của Hungary giảm mạnh hơn 3% so với đồng euro xuống 291.38 forint/euro và thị trường chứng khoán Budapest cũng trượt dài gần 3% sau khi IMF cho rằng nước này cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2011.
Được biết, IMF và Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Bảy 17/07 đã trì hoãn việc xem xét lại khoản tín dụng 25 tỷ EUR dành cho Hungary được lập ra trong năm 2008 nhằm giúp quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Đồng thời, hai tổ chức trên còn cảnh báo kế hoạch ngân sách hiện nay của Hungary chưa đủ mạnh và nước này cần thực hiện thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa nhằm cải thiện các điều kiện tài chính.
Kinh tế châu Á
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee quyết định duy trì mức tăng trưởng kinh tế 8.5% trong năm tài khóa 2010 và tỏ ra hài lòng về con số này bất chấp dự báo thậm chí còn lạc quan hơn của IMF. Đầu tháng 7, IMF nâng ước tính tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 9.5% từ mức 8.8% trong lần dự báo trước.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones cộng 56.53 điểm (0.56%) lên 10,154.43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6.37 điểm (0.6%) lên 1,071.25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 19.18 điểm (0.88%) lên 2,198.23 điểm.
Thị trường châu Âu đóng cửa giảm điểm với chỉ số FTSE 100 của Anh mất 10.57 điểm (0.2%) xuống 5,148.28 điểm, chỉ số DAX của Đức hạ 31.16 điểm (0.52%) xuống 6,009.11 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp trừ 13.83 điểm (0.4%) xuống 3,486.33 điểm.
Tại châu Á, chỉ số All Ordinaries của Australia trượt 1.5% xuống 4,358.3 điểm, Kospi của Hàn Quốc giảm 0.4% xuống 1,731.95 điểm, Hang Seng của Hồng Kông rớt 0.8% xuống 20,090.95 điểm, Straits Times của Singapore hạ 0.42%, Taiex của Đài Loan mất 0.19%. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 2.1% lên 2,475.42 điểm.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2.93% lên 2.96%.
Trên thị trường Mỹ, đồng đôla giảm so với đồng euro nhưng tăng so với bảng Anh và đồng yên.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York giảm 4.4 USD/oz xuống 1,183.80 điểm.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX tăng 50 cent lên 76.51 điểm.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 20/07: Mỹ: Số nhà mới khởi công Yahoo công bố lợi nhuận quý 2 Goldman Sachs công bố lợi nhuận quý 2 Canada: Lãi suất Đức: Chỉ số giá sản xuất (PPI) Anh: Nợ công Thụy Sỹ: Cán cân thương mại Australia: Biên bản cuộc họp của NHTW Australia (RBA) Thống đốc RBA phát biểu |
Vietstock