Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tin tưởng Mỹ sẽ tránh được khủng hoảng nợ, FDI năm 2010 vào Mỹ tăng vọt 49%, IMF cảnh báo khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ lây lan trên toàn cầu, Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ…, là các thông tin quan trọng trong 24h qua.
Bộ trưởng Geithner tin tưởng Mỹ sẽ tránh được khủng hoảng nợ
Timothy Geithner: Mỹ sẽ tránh được khủng hoảng nợ
Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ tránh được khủng hoảng nợ vào mùa hè này vì các nhà làm chính sách sắp đạt được thỏa thuận về khung ngân sách. Ông cho biết tại Diễn đàn CFO do tờ Wall Street Journal tổ chức rằng: “Đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp đạt được một thỏa thuận khung về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách dài hạn và toàn diện”. Theo ông, cho tới nay, các cuộc đàm phán giữa hai Đảng do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì đã đạt được nhiều tiến triển.
Nhà Trắng cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ tăng vọt 75 tỷ USD trong năm 2010 dù nước này phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Cụ thể FDI năm 2010 nhảy vọt 49% lên 228 tỷ USD từ mức 153 tỷ USD trong năm 2009. Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama nhận định: “Mỹ vẫn là điểm đến số 1 của dòng vốn đầu tư nước ngoài”. Trong suốt giai đoạn xảy ra khủng hoảng, Mỹ vẫn là “bến đỗ an toàn nhất”. Ông Goolsbee cho biết dòng vốn FDI đã tạo công ăn việc làm cho 5.7 triệu công nhân Mỹ.
Theo Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia (NAR), doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4.81 triệu đơn vị trong tháng 5 từ mức 5 triệu đơn vị trong tháng 4. Kết quả trên khả quan hơn so với dự báo 4.79 triệu đơn vị của các nhà kinh tế.
IMF: Khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ lây lan trên toàn cầu
IMF cảnh báo châu Âu rằng khủng hoảng nợ có nguy cơ lây lan trên toàn cầu nếu các thành viên Eurozone không có hành động cương quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực. Theo IMF, các quốc gia nguy cơ nợ công cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha… đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đặc biệt, IMF còn cảnh báo nền kinh tế Tây Ban Nha đang đối mặt với những rủi ro rất lớn và cho rằng Chính phủ nước này phải tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm cắt giảm chi tiêu công cũng như tăng cường các nỗ lực tự do hóa thị trường lao động. Được biết, kể từ năm ngoái, Tây Ban Nha đã áp dụng các biện pháp khắc nghiệt nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách nhưng IMF cho rằng các nỗ lực này chưa đủ mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cam kết tiếp tục hỗ trợ châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ bằng cách mua trái phiếu từ quỹ giải cứu Eurozone. Ông phát biểu tại một cuộc họp báo: “Nhật Bản đang cố gắng đem lại sự ổn định cho các điều kiện tài chính châu Âu, chẳng hạn như thông qua việc mua trái phiếu từ quỹ giải cứu nhằm hỗ trợ Bồ Đào Nha. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện động thái này”.
NHTW Australia: Thắt chặt chính sách là cần thiết trong trung hạn
Biên bản cuộc họp mới nhất của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cho thấy các thành viên của Ủy ban thiết lập chính sách cho rằng loạt số liệu kinh tế trong các tháng qua không gây sức ép lên việc điều chỉnh lãi suất. Theo Ủy ban này, triển vọng trung hạn của nền kinh tế Australia cho thấy việc thắt chặt chính sách là cần thiết vào một thời điểm nhất định. Ngoài ra, các thành viên RBA nhìn nhận việc giữ nguyên lập trường chính sách như hiện nay là khôn ngoan trong khi chờ đợi thêm các số liệu kinh tế trên toàn thế giới và số liệu về sức mạnh của nhu cầu nội địa cũng như áp lực lạm phát.
Theo Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ chạm mức cao kỷ lục so với đồng USD trong ngày thứ Ba khi tăng thêm 0.06% lên 6.469 NDT/USD.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 20/06:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2.96% lên 3%.
Đồng USD giảm so với đồng EUR, đồng JPY và bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tại New York cộng 4.4 USD/oz (0.3%) lên 1,546.40 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 trên sàn NYMEX cộng 14 cent (0.2%) lên 93.40 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 22/06: New Zealand - 05h45: Thâm hụt tài khoản vãng lai quý 1 Anh - 15h30: Biên bản cuộc họp của BOE Eurozone - 16h00: Số đơn đặt hàng công nghiệp - 21h00: Niềm tin tiêu dùng Mỹ - 21h00: Giá nhà ở - 21h30: Dự trữ dầu thô hàng tuần - 23h30: Fed công bố lãi suất |
Nguồn tin: Vietstock