Doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh; Trung Quốc tăng giá Nhân dân tệ (NDT); Nhật nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm tài khóa 2010 (kết thúc Tháng 3/2011) lên 2.6%; Anh tuyên bố cắt giảm ngân sách mạnh tay, tăng thuế và áp thuế mới đối với hệ thống ngân hàng…là các điểm nhấn kinh tế và tài chính thế giới 24h qua.
Kinh tế Mỹ
Các hành động mạnh và hiệu quả của chính phủ Mỹ, bao gồm quỹ giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỷ USD, đã tạo một môi trường thuận lợi trong đó các điều kiện tín dụng không còn là rào cản đối với đà phục hồi của nền kinh tế. Đó là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tại buổi điều trần về gói cứu trợ tài chính trước Ủy ban Giám sát Quốc hội do ông Elizabeth Warren chủ tọa. Theo dự kiến, gói giải cứu từng gây nhiều tranh cãi sẽ hết hạn vào cuối năm tài khóa 2010, tiếp sau đó chính phủ sẽ tìm kế thoái lui khỏi các khoản đầu tư khác, đặc biệt là tại AIG và General Motors. Theo ước tính của ông Geithner, TARP có thể tiêu tốn mất của người nộp thuế đến 105 tỷ USD.
Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia (NAHB) công bố doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm mạnh 2.2% xuống 5.66 triệu đơn vị trong Tháng 5 từ mức 5.77 triệu đơn vị trong Tháng 4 và đi ngược dự báo tăng 6% lên 6.1 triệu đơn vị của các nhà kinh tế.
Kinh tế châu Âu
Bộ trưởng Tài chính Anh, George Osborne, hôm Thứ Ba đã công bố các biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và áp thuế mới đối với hệ thống ngân hàng nhằm cắt giảm nguồn thâm hụt ngân sách kỷ lục xuống mức gần bằng 0 trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Anh sẽ cắt giảm chi tiêu chính phủ bớt khoảng 25% trong vòng 4 năm và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 17.5% lên 20% vào năm tới cùng với việc đánh thuế 2 tỷ bảng Anh lên các ngân hàng.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, ba quốc gia hàng đầu châu Âu là Anh, Đức, Pháp, đã cùng nhau kêu gọi việc đánh thuế lên các ngân hàng với nỗ lực nhằm vượt qua sự chống đối của các thành viên G20 khác tại cuộc họp cuối tuần này. Bên cạnh quyết định đánh thuế của chính phủ Anh hôm 22/06, Pháp cũng công bố kế hoạch trong vài ngày tới, trong khi Đức sẽ đưa ra dự thảo vào “mùa hè này”.
Tổ chức Action Economics công bố chỉ số môi trường kinh doanh IFO Tháng 6 tại Đức bất ngờ tăng lên mức 101.8 điểm từ mức 101.5 điểm trong Tháng 5, cao hơn so với dự đoán 101.2 điểm của các nhà phân tích.
Kinh tế châu Á
Nhật Bản ngày Thứ Ba 22/06 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính hiện nay và phê chuẩn kế hoạch cân đối ngân sách trong thập kỷ tới. Trong số liệu dự báo giữa năm của mình, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 2.6% trong năm tài khóa kết thúc Tháng 03/2011, tức gần gấp đôi so với mức dự báo tăng trưởng 1.4% đưa ra hồi Tháng 1. Ngoài ra, Văn phòng Nội các còn cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật sẽ tăng trưởng 2% trong năm tài chính bắt đầu Tháng 4/2011. Chính phủ mới của Thủ tướng Naoto Kan dự định kiềm nguồn chi tiêu hàng năm ở mức 71 ngàn tỷ JPY (tương đương 781 tỷ USD) trong 3 năm tài khóa tới, đồng thời duy trì việc phát hành trái phiếu chính phủ mới dưới mức 44.3 ngàn tỷ JPY của năm tài chính hiện tại sang năm tài chính 2011.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày Thứ Ba (22/06) thiết lập tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) mạnh hơn sau khi cho phép đồng nội tệ tăng giá mạnh trên thị trường tự do vào hôm Thứ Hai. Theo đó, PBOC đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng hàng ngày thêm 0.43%, mức tăng mạnh nhất trong 5 năm, lên 6.7980 NDT/USD từ mức 6.8275 NDT/USD của ngày Thứ Hai. Đây được xem là bước đi cụ thể đầu tiên tiến tới việc thực hiện lời cam kết điều hành đồng NDT linh hoạt hơn.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones rớt 148.96 điểm (1.43%) xuống 10,293.45 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 17.86 điểm (1.60%) xuống 1,095.34 điểm, đóng cửa dưới dưới đường trung bình 200 ngày 1,111.33 điểm; chỉ số Nasdaq Composite hạ 27.29 điểm (1.19%) xuống 2,261.80 điểm.
Các chỉ số chính trên thị trường châu Âu cũng đóng cửa giảm điểm trong phiên giao dịch cùng ngày với FTSE 100 của Anh rớt 1%, DAX của Đức hạ 0.4% và CAC 40 của Pháp giảm 0.8%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và All Ordinaries của Australia cùng mất 1.2%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và Kospi của Hàn Quốc giảm 0.5%. Các chỉ số chính của Đài Loan, Singapore, Malaysia và Ấn Độ cũng đồng loạt mang sắc đỏ. Diễn biến ngược chiều, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cộng 0.1%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.24% xuống 3.22%.
Trên thị trường Mỹ, đồng EUR giảm 0.3% so với đồng USD những vẫn đứng trên mức thấp 4 năm 1.188 USD/EUR xác lập trong tuần trước. Đồng USD giảm 0.5% so với đồng JPY.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York nhích nhẹ 10 cent lên 1,240.80 USD/oz.
Trong ngày hết hạn, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX giảm 61 cent xuống 77.21 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 23/06: Mỹ: - Doanh số bán nhà mới Tháng 5 - Dự trữ dầu thô Tháng 5 - Công bố lãi suất của FED Eurozone: Chỉ số quản lý sức mua trong lĩnh vực dịch vụ Chỉ số quản lý sức mua trong lĩnh vực sản xuất Đức: - Niềm tin tiêu dùng - Chỉ số quản lý sức mua trong lĩnh vực dịch vụ - Chỉ số quản lý sức mua trong lĩnh vực sản xuất New Zealand: Tài khoản vãng lai quý I |
vietstock