Dầu thô vượt 79 USD/thùng, chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh 2%, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ châu Âu tăng trưởng tốt hơn dự báo, Trung Quốc giảm giá Nhân dân tệ, FED cam kết nâng chi phí vay mượn nếu thị trường việc làm không cải thiện… là các điểm nhấn của thị trường tài chính thế giới trong 24h qua.
Kinh tế châu Mỹ
Tổ chức Conference Board của Mỹ công bố các chỉ báo kinh tế hàng đầu giảm 0.2% trong tháng 6, đi ngược với đà tăng 0.5% trong tháng trước nhưng khả quan hơn dự báo giảm 0.4%.
Theo Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia (NAHB), doanh số bán nhà đã qua sử dụng tháng 6 giảm 5.1% so với tháng trước, nhẹ hơn so với dự báo nhưng lại tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tăng lên 464,000 người từ mức từ mức thấp 2 năm 427,000 trong tuần trước, cao hơn dự báo tăng lên 445,000 người của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp giảm xuống 4.487 triệu người từ mức 4.710 triệu người trong tuần trước, thấp hơn ước tính giảm xuống 4.6 triệu người của các nhà kinh tế.
Liên quan đến thị trường việc làm, Thượng viện Mỹ hôm 22/07 đã phê chuẩn dự luật trong đó cho phép kéo dài thời hạn nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp sang tháng 11 năm nay, kết thúc 7 tuần tranh cãi giữa các nhà lập pháp. Theo dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ sớm ký dự luật này. ‘
Trong ngày điều trần thứ hai trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết sẽ cố gắng nâng chi phí vay mượn nếu thị trường việc làm tiếp tục trì trệ. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy khả năng FED sẽ cung cấp thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Lần thứ 3 trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Brazil nâng lãi suất thêm 0.5% lên 10.75%. Theo dự báo của các thị trường tài chính, nước này có thể tiếp tục nâng lãi suất trong các tháng tới và đẩy lãi suất lên mức 11.75% vào cuối năm 2010 và lên 12% vào đầu năm 2011.
Kinh tế châu Âu
Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của eurozone đồng loạt đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh trong tháng 7, trái ngược hoàn toàn với dự báo suy giảm và dập tắt mối quan ngại về suy thoái kép. Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tăng từ 55.5 điểm trong tháng 6 lên 56 điểm trong tháng 7, ngược với dự báo giảm xuống 55 điểm của các nhà kinh tế.
Trở lại tăng trưởng trong quý 3 năm ngoái, lĩnh vực sản xuất cũng đạt được tốc độ cải thiện khả quan trong tháng 7 với chỉ số PMI sản xuất leo từ 55.6 điểm lên 56.5 điểm, cũng ngược với dự báo giảm xuống 55.2 điểm. Trong khi chỉ số sản lượng sản xuất cùng tháng tăng vọt từ 57.2 điểm lên 58.3 điểm.
Kinh tế châu Á
Trong báo cáo ra hôm 22/07, nhóm chuyên gia cố vấn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc hôm nhận định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng trưởng 9.5% trong năm 2010. Con số này gần tương đương với mức trung bình trong vòng 30 năm qua và phản ánh tiềm năng tăng trưởng hợp lý của nước này.
Cùng ngày, Trung Quốc đã giảm tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) xuống 6.7859 NDT/USD từ mức 6.7802 NDT/USD trong ngày thứ Tư. Hôm 19/07, ngân hàng trung ương nước này thông báo sẽ tiến hành cải cách cơ chế xác định tỷ giá để cải thiện tính linh hoạt của mình.
Trong khi đó, Nhật Bản đã lên tiếng cảnh bảo rằng nước này muốn tránh sự gia tăng quá mức của đồng yên khi đồng tiền này dao động gần mức cao 7 tháng so với đồng đôla do mối quan ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Được biết trong tuần trước, đồng yên đã chạm mức cao 7 tháng tại 86.27 JPY/USD, còn trong phiên giao dịch ngày thứ Năm đồng tiền này chạm mức 86.60 JPY/USD.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 201.77 điểm (1.99%) lên 10,322.30 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 24.08 điểm (2.25%) lên 1,093.67 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng vọt 58.56 điểm (2.68%) đóng cửa tại 2,245.89 điểm (Xem tiếp).
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 99.17 điểm (1.90%) lên 5,313.81 điểm, chỉ số DAX của Đức tăng vọt 151.77 điểm (2.53%) lên 6,142.15 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp bay cao 106.65 điểm (3.05%) lên 3,600.57 điểm.
Thị trường châu Á diễn biến trái chiều với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0.62%, All Ordinaries của Australia rớt 0.77%, Kospi của Hàn Quốc lùi 0.76%, Taiex của Đài Loan trừ 0.45% nhưng chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng 1.07%, Hang Seng của Hồng Kông cộng 0.5%, Straits Times của Singapore tiến 1.01%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2.89% lên 2.93%.
Trên thị trường Mỹ, đồng đôla giảm so với đồng euro nhưng tăng so với đồng yên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 trên sàn NYMEX vượt mốc 79 USD/thùng khi tăng mạnh 2.46 USD/thùng lên 79.02 USD/thùng do mối lo sợ về nguy cơ xảy ra cơn bão nhiệt đới tại vịnh Mexico.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 2.80 USD/oz lên 1,194.60 USD/oz.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 23/07: Mỹ: - Ford công bố lợi nhuận quý 2 - McDonald công bố lợi nhuận quý 2 Canada: - 18h00: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 - 22h00: Cán cân ngân sách tháng 4 Eurozone: 23h00: Công bố kết quả cuộc thanh tra ngân hàng Anh: 15h30: GDP quý 2 (số liệu sơ bộ) Đức: 15h00: Chỉ số môi trường kinh doanh |
Nguồn: Vietstock