Warren Buffett cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ chưa kết thúc, số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng mạnh, kinh tế Ireland sụt giảm mạnh 1.2%, nhà đầu tư quốc tế bán tháo trái phiếu của Ireland và Bồ Đào Nha, chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ châu Âu giảm mạnh hơn dự báo, Tổng thống Obama thúc giục Trung Quốc sớm giải quyết vấn đề tiền tệ… là các thông tin tác động mạnh đến các thị trường tài chính trong ngày 23/09.
Kinh tế Mỹ
Trái ngược với tuyên bố của Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) rằng suy thoái tại Mỹ đã kết thúc cách đây hơn 1 năm, tỷ phú Warren Buffett cho rằng Mỹ vẫn chìm trong suy thoái. Theo ông, suy thoái chỉ thực sự kết thúc khi GDP đầu người trở lại các mức trước khi suy thoái bùng nổ.
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tăng thêm 12,000 lên 465,000, ngược với dự đoán giảm xuống 453,000 người.
Theo Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAHB), doanh số bán nhà đã qua sử dụng tháng 8 tăng 7.6% so với tháng 7 lên 4.13 triệu đơn vị nhưng lại giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chỉ báo kinh tế hàng đầu, thước đo tình hình tương lai của nền kinh tế, tăng 0.3% trong tháng 8, mạnh hơn so với dự báo tăng 0.1% của các nhà kinh tế.
Người phát ngôn của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện cho biết Thượng viện sẽ trì hoãn việc bỏ phiếu cho dự luật cắt giảm thuế do cựu Tổng thống George Bush đề xuất cho tới cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Trong cuộc họp kéo dài 2 tiếng giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UN), Tổng thống Obama đã thúc giục Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhanh chóng tiến hành các biện pháp nhằm giải quyết các bất đồng về giá trị của đồng Nhân dân tệ và khẳng định rằng Mỹ sẽ bảo vệ các lợi ích của nền kinh tế.
Kinh tế châu Âu
Kinh tế Ireland bất ngờ giảm mạnh 1.2% trong quý 2. GDP quý 1 cũng bị điều chỉnh giảm từ 2.7% xuống 2.2%. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP), được xem là thước đo chính xác hơn về nền kinh tế, cũng giảm 0.3%.
Nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu của Ireland và Bồ Đào Nha, đẩy chi phí vay mượn tại 2 quốc gia này lên mức cao kỷ lục và làm gia tăng thêm mối lo lắng về khoản nợ khổng lồ mà các Chính phủ châu Âu đang gánh chịu. Theo các nhà phân tích, Ireland sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong các tuần tới khi Chính phủ phải thuyết phục nhà đầu tư quốc tế rằng nước này không cần gói giải cứu từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như ngừng đổ tiền vào các ngân hàng đang chìm ngập trong nợ nần của nước này.
Theo thông tin trước đó trên tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez cho rằng khủng hoảng nợ châu Âu đã kết thúc. Bài học mà ông Zapatero rút ra từ cuộc khủng hoảng này là chính sách tiền tệ riêng lẻ không đủ cho 27 quốc gia EU.
Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết số đơn đặt hàng công nghiệp tháng 7 tại Eurozone giảm 2.4% sau khi tăng trưởng 2.4% trong tháng 6. Trong khi đó, số đơn đặt hàng cùng tháng của EU giảm 2.3%, ngược với mức tăng 2.5% trong tháng 6.
Chỉ số PMI tháng 9 của Eurozone giảm từ 56.2 điểm xuống 53.8 điểm, thấp hơn so với dự báo giảm xuống 55.9 điểm của các nhà kinh tế nhưng vẫn còn duy trì trên mốc 50 điểm. Trong đó, chỉ số PMI sản xuất giảm từ 55.1 điểm xuống mức thấp 8 tháng 53.6 điểm trong khi chỉ số PMI dịch vụ giảm từ 55.9 điểm xuống mức thấp 7 tháng 53.6 điểm.
Kinh tế châu Á
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng việc Nhân dân tệ tăng giá từ 20-40% như yêu cầu của các nhà lập pháp Mỹ sẽ gây ra sự sụp đổ sâu rộng của ngành xuất khẩu nước này, thất nghiệp leo thang và bất ổn xã hội. Tính từ ngày 19/06 đến nay, Nhân dân tệ chỉ tăng thêm 1.9%.
Hoạt động kinh tế tại New Zealand chậm lại quý thứ 2 liên tiếp do sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của nước này chỉ nhích nhẹ 0.2%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 0.8% của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 tăng 0.7%.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 23/09:
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.56% xuống 2.55%.
Đồng USD tăng so với đồng EUR nhưng giảm so với bảng Anh và đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 4.20 USD/oz lên mức cao kỷ lục 1,296.30 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX tăng 47 cent lên 75.18 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 24/09: Đức - 13h00: Giá nhập khẩu - 15h00: Chỉ số môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu Kinh tế (IFO) Mỹ - 19h30: Số đơn đặt hàng lâu bền - 21h00: Doanh số bán nhà mới |
Nguồn: Vietstock