Vietstock) - Fitch và S&P hạ xếp hạng tín nhiệm Bồ Đào Nha, Moody's hạ bậc tín nhiệm tiền gửi và nợ ưu tiên trả trước của 30 ngân hàng Tây Ban Nha, các quốc gia châu Á cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ, Trung Quốc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ châu Âu, số người xin nhận trợ thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm, … là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Mỹ: Thị trường lao động Mỹ bộc lộ tín hiệu tốt
Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 5,000 xuống 382,000, thấp hơn dự báo 383,000 của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 1,500 xuống 385,250, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2008 và ghi nhận tuần thứ 4 liên tiếp đứng dưới ngưỡng 400,000.
Số đơn đặt hàng lâu bền tháng 2 giảm 0.9%, ngược dự báo tăng 1.1% của các nhà kinh tế và mức tăng 3.6% trong tháng 1.
Châu Âu: Bồ Đào Nha hâm nóng khủng hoảng nợ châu Âu
S&P hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Bồ Đào Nha từ A- xuống BBB, trong khi Fitch quyết định hạ bậc tín nhiệm nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Bồ Đào Nha từ A+ xuống A-. Nguyên nhân là do sự thất bại của Chính phủ nước này trong cuộc bỏ phiếu quan trọng về gói cắt giảm chi tiêu vào ngày thứ Tư và sự từ chức sau đó của Thủ tướng Jose Socrates.
Hai quan chức giấu tên của châu Âu cho biết gói giải cứu Bồ Đào Nha có thể trị giá tới 70 tỷ EUR (tương đương 99 tỷ USD). Trước đó, Ngân hàng Hoàng gia Scotland ước tính gói giải cứu trị giá khoảng 80 tỷ EUR. Được biết, cho đến nay, Bồ Đào Nha vẫn chưa hề yêu cầu xin giải cứu.
Moody’s hạ ít nhất một bậc tín nhiệm tiền gửi và nợ ưu tiên trả trước của 30 ngân hàng Tây Ban Nha sau khi cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này trong thời gian gần đây. Theo Moody’s, trong số 30 ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm, 15 ngân hàng bị cắt giảm 2 bậc, 5 ngân hàng bị hạ từ 3-4 bậc.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 3 của châu Âu trượt xuống còn 57.5 điểm từ mức 58.2 điểm trong tháng 2. Dù vậy, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai kể từ tháng 7/2007.
Kinh tế Ireland giảm 1.6% trong quý 4/2010 do chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu giảm, trái ngược với mức tăng trưởng 0.6% trong quý 3. Tính cả năm 2010, kinh tế Ireland giảm 1%.
Châu Á: Trung Quốc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ châu Âu
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này nhận thấy rủi ro từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và đã tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ châu Âu để giúp khu vực này.
Theo khảo sát của HSBC, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức cao 2 tháng 52.5 từ mức 51.7 trong tháng 1. Số liệu này có thể làm giảm quan ngại về sự giảm tốc tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế nước này.
Australia, Hồng Kông và Singapore là ba quốc gia mới nhất cấm nhập khẩu thực phẩm từ các khu vực gần nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Các thực phẩm mà ba quốc gia trên cấm nhập khẩu bao gồm sản phẩm từ sữa, rau quả, trái cây, thịt và hải sản.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4/2010 của New Zealand mở rộng 0.2% nhờ sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất sau khi giảm 0.2% trong quý trước đó.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 24/03:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.26% lên 3.39%.
Đồng USD giảm so với đồng EUR nhưng tăng so với đồng JPY và bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX tại New York giảm 3.10 USD/oz (0.2%) xuống 1,434.90 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn NYMEX giảm 15 cent (0.1%) xuống 105.60 USD/thùng.
Nguồn: Vietstock