Nguồn: Vietstock
EU có thể gia tăng quy mô quỹ giải cứu nếu cần thiết, Moody’s đưa thêm một số ngân hàng vào diện xem xét, xuất khẩu Nhật suy yếu, thặng dư tài khoản vãng lai Trung Quốc tăng hơn gấp 2 lần, sàn Tokyo sẽ rút ngắn thời gian nghỉ trưa,…là các thông tin đáng chú ý trong ngày Lễ Tạ ơn (25/11).
Châu Âu: Có thể tăng quy mô quỹ giải cứu 1,000 tỷ USD
Thành viên Hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Axel Weber cho biết các Chính phủ có thể gia tăng quy mô của quỹ giải cứu Liên minh châu Âu (EU) nếu cần thiết nhằm khôi phục niềm tin vào đồng EUR. Theo ông, số tiền được phê chuẩn ban đầu 750 tỷ EUR (gần 1,000 tỷ USD) có thể đủ trấn an các thị trường. Còn nếu không, EU nên gia tăng quy mô của quỹ. Trong kịch bản tồi tệ nhất, quỹ giải cứu có thể cần thêm 140 tỷ EUR (tương đương 187 tỷ USD).
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết vừa đưa thêm một số ngân hàng Ireland vào diện theo dõi và có thể hạ bậc tín nhiệm các ngân hàng này. Hôm 22/11, Moody’s cũng cảnh báo sẽ hạ nhiều bậc tín nhiệm của Ireland.
Chỉ số niềm tin kinh doanh tháng 11 tại Đức tăng từ 107.7 điểm lên 109.3 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua và đi ngược với dự báo giảm nhẹ của các nhà nhà phân tích. Đây là chứng cứ cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh.
Số nhà bị tịch thu tại Tây Ban Nha có thể tăng gấp 3 lần trong năm 2011 do các quy tắc kiểm toán mới sẽ khiến các ngân hàng nhanh chóng loại bỏ các tài sản đang bị mất giá.
Châu Á: Các sàn chứng khoán đua nhau tăng giờ giao dịch
Bộ Tài chính Nhật công bố xuất khẩu tháng 10 của Nhật Bản tăng 7.8%, thấp hơn dự báo 10.2% của các nhà kinh tế trong khi nhập khẩu cùng tháng tăng 8.7%. Do đó, thặng dư thương mại tháng 10 mở rộng 2.7% lên 821.9 tỷ JPY (tương đương 9.8 tỷ USD), thấp hơn dự báo 865.5 tỷ JPY của các nhà kinh tế.
Tương tự như Hồng Kông, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo có kế hoạch rút ngắn giờ nghỉ trưa xuống còn 60 phút (11h30-12h30) từ 90 phút như hiện nay. Do đó, thời gian giao dịch sẽ kéo dài lên 5 tiếng/ngày và có thể được áp dụng vào đầu năm tới. Được biết, số giờ giao dịch này vẫn còn thấp hơn Australia, Singapore và Hàn Quốc.
Thặng dư tài khoãn vãng lai quý 3 của Trung Quốc tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 102.3 tỷ USD. Số liệu này cho thấy Trung Quốc vẫn còn đối mặt với những thách thức trong việc tái cân bằng nền kinh tế, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu từ bên ngoài. Được biết, thặng dư tài khoãn vãng lai quý 2 là 72.9 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ 2009.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 10 tại Hàn Quốc tăng từ mức thấp 16 tháng 108 điểm lên 110 điểm trong tháng 11. Người tiêu dùng nước này tin tưởng rằng đà phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy thu nhập hộ gia đình và triển vọng thị trường việc làm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Philippine tăng 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức 7.9% trong quý 2 và thấp dự báo 6.7% của các nhà kinh tế cũng như ước tính từ 6.7-7.7% của Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả trên lại ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc so với mức 0.2% trong cùng kỳ năm ngoái.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 25/11:
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 26/11: Australia - 05h30: Thống đốc RBA phát biểu Nhật Bản - 06h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Đức - 14h00: Giá nhập khẩu Eurozone - 16h00: Tín dụng tư nhân |