Mỹ có thể kiểm soát thâm hụt ngân sách, niềm tin tiêu dùng tháng 4 tại Mỹ gia tăng, thâm hụt ngân sách của Eurozone giảm nhưng nợ công tiếp tục tăng vọt, cố vấn kinh tế Đức cho rằng Hy Lạp nên tái cấu trúc nợ càng sớm càng tốt, CPI tháng 4 của Trung Quốc có thể lên tới 5.5%, xuất khẩu năm 2011 của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 20%,… là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner cho rằng Mỹ hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề thâm hụt ngân sách hiện nay và cần các nỗ lực từ cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm giải quyết thách thức này. Ông nói: “Thâm hụt ngân sách là vấn đề lớn nhất trong vài thập kỷ qua mà Mỹ phải đối mặt nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát”. Theo ông, Mỹ cần một “chiến lược đáng tin cậy” để dần cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không cản trở đến đà phục hồi của nền kinh tế.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Conference Board tăng từ mức 63.8 trong tháng 3 lên 65.4 trong tháng 4, cao hơn dự báo 64.4 của các nhà kinh tế.
Chỉ số giá nhà ở S&P/Case-Shiller giảm 3.3% tháng thứ 8 liên tiếp và xuống sát mức thấp kỷ lục xác lập vào năm 2009.
Châu Âu: “Hy Lạp nên tái cấu trúc nợ càng sớm càng tốt”
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thông báo thâm hụt ngân sách năm 2010 của Eurozone là 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức 6.3% trong năm 2009. Tuy nhiên, nợ công tại tăng lên 85.1% GDP từ mức 79.3% trong năm trước đó.
Eurostat cho biết Hy Lạp đã cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 10.5% từ mức 15.4% trong năm 2009. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn mục tiêu ban đầu của chương trình “thắt lưng buộc bụng” là 8% cũng như dự báo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 9.6%. Trong khi đó, nợ công của quốc gia này bay vọt lên 142.8% GDP từ mức 127.1% trong năm 2009.
Ông Lars Feld, một thành viên hội đồng cố vấn kinh tế của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Hy Lạp sẽ phải tái cấu trúc nợ và không nên chần chừ thực hiện điều này. Ông nói: “Tôi cho rằng chiến lược cải tổ của Hy Lạp sẽ không thể thành công nếu nước này không tái cấu trúc nợ. Hy Lạp nên tái cấu trúc càng sớm càng tốt”.
Châu Á: CPI tháng 4 của Trung Quốc có thể leo lên tới 5.5%
Tờ China Securities Journal đưa tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc có thể tăng 5.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo tờ báo này, đà sụt giảm của giá rau quả trong thời gian gần đây sẽ xoa dịu áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Nếu giá rau quả giảm 10% trong quý 2, CPI quý này sẽ giảm 0.2-0.5%. Các nhà kinh tế dự báo CPI quý 2 của Trung Quốc dao động trong khoảng từ 5-6%.
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc cho biết tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có thể sụt giảm còn 20% trong năm 2011 từ mức 31% trong năm 2010, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng vọt 25%. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của các nhà xuất khẩu có thể giảm tốc do những áp lực trong và ngoài nước.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 của Hàn Quốc tăng từ 98 lên 100, chấm dứt 4 tháng suy giảm liên tiếp trước đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát kỳ vọng tăng từ 3.9% lên 4%, bằng với mức trần của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đồng thời là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2009. Hai số liệu này càng gia tăng áp lực nâng lãi suất lên BOK.
Sản lượng công nghiệp tháng 3 của Singapore tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận sự cải thiện ngoạn mục so với mức tăng 4.7% trong tháng 2 đồng thời là tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 tháng. Dù vậy, kết quả trên vẫn thấp hơn so với dự báo 23.8% của các nhà kinh tế.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 26/04:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.36% xuống 3.32%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR và đồng JPY nhưng tăng so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York giảm 5.60 USD/oz (0.4%) xuống 1,503.50 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn NYMEX giảm 7 cent xuống 112.21 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 27/04: Nhật Bản - 06h50: Doanh số bán lẻ Australia - 08h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Đức - 13h00: Niềm tin tiêu dùng Anh - 15h30: GDP quý 1 Eurozone - 16h00: Số đơn đặt hàng công nghiệp Mỹ - 19h30: Số đơn đặt hàng lâu bền - 23h30: FED công bố lãi suất - 23h30: Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - 01h15 (ngày 28/04): Cuộc họp báo của FOMC |
Nguồn: Vietstock