Chính phủ Nhật phê chuẩn nguồn ngân sách bổ sung 61.8 tỷ USD, GDP quý 3 của Anh tăng trưởng mạnh gấp đôi dự báo, S&P nâng triển vọng tín nhiệm Anh từ tiêu cực lên ổn định, niềm tin người tiêu dùng Mỹ và Đức cùng cải thiện, EU thông qua quy định cuối cùng về các quỹ đầu tư, NHTW Thụy Điển tăng lãi suất, triển vọng ngành thép toàn cầu ảm đạm,… là các thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Kinh tế Mỹ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York William Dudley cho rằng FED không có “liều thuốc thần kỳ” để vực dậy nền kinh tế trong một sớm một chiều nhưng có thể cung cấp các biện pháp hỗ trợ nếu các điều kiện kinh tế không cải thiện.
Chỉ số giá nhà ở Case-Shiller tháng 8 tại 20 thành phố lớn của Mỹ giảm 0.2% so với tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 1.7% nhưng thấp hơn dự báo 2% của các nhà kinh tế.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 10 do Conference Board công bố tăng nhẹ từ 48.6 điểm lên 50.2 điểm, cao hơn dự báo 49 điểm của các nhà kinh tế.
Kinh tế châu Âu
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết GDP quý 3 của nước này tăng trưởng 0.8%, thấp hơn so với mức 1.2% trong quý 2 nhưng lại cao gấp hai lần so với dự báo 0.4% của các nhà kinh tế. Kết quả này giúp xoa dịu mối quan ngại về đà phục hồi yếu ớt và làm hạ thấp khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tín dụng.
Nhóm nghiên cứu thị trường GfK cho biết niềm tin người tiêu dùng tháng 11 tại Đức vẫn đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2008 nhờ kỳ vọng về đà phục hồi xa hơn nữa của nền kinh tế.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's khen ngợi kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Anh đồng thời khẳng định mức xếp hạng AAA của nước này vẫn còn an toàn và nâng triển vọng tín nhiệm từ tiêu cực lên ổn định.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) nâng lãi suất cơ bản thêm 0.25% lên 1% do quan ngại rằng lạm phát sẽ leo thang khi hoạt động kinh tế cải thiện. Được biết, đây là lần nâng lãi suất thứ 3 của Riksbank kể từ tháng 7 năm nay. Trước đó, Riksbank duy trì mức lãi suất 0.25% trong vòng 2 năm liên tiếp sau vài đợt cắt giảm mạnh vào quý 3/2008.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Hungary “nghiêm ngặt nhưng cũng đầy rủi ro”. Các loại thuế tạm thời do Chính phủ đặt ra có thể giúp nước này giảm thâm hụt ngân sách 2010 về mức 3.8% GDP nhưng có thể chưa đủ mạnh để hạ thâm hụt 2011 về mức trần 3%.
Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với các quy định cuối cùng về quỹ đầu tư và công ty cổ phần tư nhân nhằm gia tăng tính minh bạch cũng như giúp các nhà điều hành kịp thời phát hiện rủi ro và có biện pháp ứng phó phù hợp. Tháng tới, Quốc hội châu Âu sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho các quy định này.
Kinh tế châu Á
Chính phủ Nhật Bản chính thức phê chuẩn nguồn ngân sách bổ sung để sử dụng cho gói kích thích khẩn cấp trị giá 61.8 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang gánh chịu những tác động nặng nề của giảm phát và đồng JPY mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Nhật BảnYoshihiko Noda cho rằng nước này đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp dứt khoát để ngăn chặn đà tăng giá quá mạnh của đồng JPY nếu cần thiết khi đồng tiền này liên tục leo lên mức cao 15 năm so với đồng USD sau cuộc họp G20.
Bộ ba ngân hàng khổng lồ của Nhật Bản là Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui có thể đạt lợi nhuận ròng ít nhất là 1 ngàn tỷ JPY (tương đương 12.4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 4-tháng 9, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ từ 8.25-8.75% trong năm tài khóa 2010 và sớm tăng tốc lên 9% nhờ sự phục hồi của các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng Ấn Độ có thể đang đánh giá thấp rủi ro từ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước này quá mạnh, vốn dĩ đã giúp thị trường chứng khoán cũng như đồng rupee phục hồi về các mức trước khủng hoảng.
Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tháng 9 tại Australia tăng 6 điểm lên 9 điểm, mức cao chưa từng thấy kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dù chỉ số các điều kiện kinh doanh giảm 1 điểm xuống còn 5 điểm.
Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 3 của Australia tăng trưởng chậm lại với tốc độ 0.8% so với quý trước và 2.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó làm gia tăng tranh luận xung quanh việc liệu ngân hàng trung ương nước này có nên tăng lãi suất.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 26/10:
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt từ 2.57% lên 2.65%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD phục hồi so với đồng EUR và đồng JPY nhưng vẫn còn giảm so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm nhẹ 30 cent xuống 1,338.60 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn NYMEX nhích 3 cent lên 82.55 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 27/10: Australia - 07h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ - 19h30: Số đơn đặt hàng lâu bền - 21h00: Doanh số bán nhà mới |
Nguồn: Vietstock