Đánh giá kém lạc quan về kinh tế Mỹ của FED, số đơn đặt hàng lâu bền bất ngờ giảm mạnh tháng thứ 2, tình hình tài chính công của Bỉ rơi vào diện cần xem xét, lạm phát của Australia tăng nhẹ hơn dự báo là các sự kiện tiêu biểu của ngày thứ Tư 28/07.
Kinh tế Mỹ
Theo nhận định mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong báo cáo về các điều kiện kinh tế (beige book), kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện với tốc độ khiêm tốn. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế tại 10/12 quận của FED không diễn ra mạnh mẽ và tỏ ra đuối sức trong một số tuần gần đây.
Số đơn đặt hàng lâu bền tháng 6 bất ngờ giảm tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ 1%, mạnh hơn mức giảm 0.8% trong tháng 5 và trái ngược với dự báo tăng 1% của các nhà kinh tế. Đây đồng thời là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2009 và là một lời nhắc nhở về những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
Kinh tế châu Âu
Kết quả cuộc khảo sát ngân hàng mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định cho vay đối với doanh nghiệp trong quý 3 tới. Theo ECB, cuộc khủng hoảng nợ công đã làm cho việc tiếp cận với nguồn vốn trên các thị trường ngày càng khó khăn.
Số liệu dự báo chính thức của Cục Thống kê Liên bang Đức (FSO) thấy tỷ lệ lạm phát tháng 7 của nước này tăng 0.2% so với tháng 6 và 1.1% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giá dầu tăng cao. Lạm phát của Đức đã dao động quanh mức 1% trong vài tháng qua và chưa phát đi tín hiệu phá vỡ phạm vi này. Dự kiến, số liệu lạm phát tháng 7 cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 10/08 tới.
Tại Bỉ, bản báo cáo bị rò rỉ từ Ủy ban giám sát Chính phủ liên bang đã làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu nước này có đáp ứng được các cam kết về tình hình tài chính công đúng như các quy định ngân sách của eurozone. Theo Ủy ban này, nếu không đánh thuế cao hơn hay cắt giảm chi tiêu, thâm hụt ngân sách 2010 của Bỉ có thể chạm mức 5.2% GDP, cao hơn so với mục tiêu 4.8%. Được biết, nợ quốc gia của Bỉ đã phình to nhanh chóng kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ và đã vượt 100% GDP kể từ đầu năm nay. Trong khu vực eurozone, hiện nợ của Bỉ chỉ thấp hơn Hy Lạp và Ý.
Kinh tế châu Á
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố thặng dư tài khoản vãng lai tháng 6 của nước này tăng lên mức cao 11 tháng 4.19 tỷ USD từ 3.34 tỷ USD trong tháng 5 do nhập khẩu suy yếu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tăng 0.5% lên mức cao kỷ lục 40.61 tỷ USD nhưng chậm hơn mức 3% trong tháng 5.
Cục Thống kê Australia công bố chỉ số giá tiêu dùng quý 2 của nước này tăng 0.3% so với quý 1, thấp hơn dự báo 1% của các nhà kinh tế dù thuế thuốc lá nhảy vọt tới 25% trong quý vừa qua. So với cùng kỳ năm 2009, CPI tăng cũng thấp hơn dự báo với tốc độ 3.1%. Kết quả này cho thấy nhiều khả năng, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) nâng lãi suất vào tuần tới.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 39.81 điểm (0.38%) xuống 10,497.88 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 7.72 điểm (0.69%) xuống 1,106.12 điểm, chỉ số Nasdaq Composite rớt 23.69 điểm (1.04%) xuống 2,264.56 điểm.
Thị trường châu Âu diễn biến trái chiều với chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 45.99 điểm (0.86%) xuống 5,319.68 điểm, chỉ số DAX của Đức trừ 28.37 điểm (0.46%) xuống 6,178.94 điểm, ngược lại chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 3.96 điểm (0.11%) lên 3,670.36 điểm.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 2.7%, Shanghai của Trung Quốc tiến 2.26%, All Ordinaries của Australia cộng 0.62% ,Kospi của Hàn Quốc tăng 0.29%, Hang Seng của Hồng Kông cộng thêm 0.63%, Taiex của Đài Loan nhận 0.47%, Straits Times của Singapore nhích 0.2%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.05% xuống 3%.
Trên thị trường Mỹ, đồng đôla tăng so với đồng euro nhưng giảm so với đồng yên.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng nhẹ 2.80 USD/oz lên 1,163.90 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 trên sàn NYMEX giảm 19 cent xuống 76.80 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 29/07: Mỹ: - 19h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - 19h30: Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp Canada: - 19h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI) Eurozone: - 16h00: Chỉ số môi trường kinh doanh - 16h00: Kỳ vọng lạm phát tiêu dùng - 16h00: Tâm lý tiêu dùng - 16h00: Tâm lý các ngành công nghiệp Anh: - 15h30: Tín dụng tiêu dùng - 15h30: Số liệu về hoạt động tín dụng thế chấp Đức: - 15h00: Tỷ lệ thất nghiệp - 15h30: Số người thất nghiệp Nhật: - 06h50: Doanh số bán lẻ New Zealand: - 04h00: NHTW New Zealand công bố lãi suất - 05h45: Cán cân thương mại |
Nguồn: vietstock