Một quan chức FED nhận định Mỹ có nguy cơ giảm phát tương tự Nhật Bản, doanh số bán lẻ tại Nhật tăng mạnh, niềm tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa sau năm nay gia tăng, IMF cho rằng người Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn là các tiêu điểm kinh tế tài chính trong 24h qua.
Kinh tế Mỹ
Chủ tịch FED bang St. Louis, ông James Bullard, bày tỏ mối quan ngại rằng Mỹ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát như Nhật Bản. Ông Bullard cảnh báo rằng các chính sách hiện nay của FED đang đặt Mỹ trước rủi ro sụt giảm giá cả và lương bổng trong một thời gian dài.
Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua giảm 11,000 người xuống 457,000 người, tốt hơn dự báo giảm xuống 464,000 người của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp tăng từ 4.484 triệu người lên 4.565 triệu người, cao hơn dự đoán tăng lên 4.550 triệu người của các nhà kinh tế.
Kinh tế châu Á
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2.9% trong tháng 5 nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đà tăng trưởng của chỉ báo này có thể suy yếu dần vào cuối năm nay khi tác dụng của các biện pháp kích cầu dần mờ nhạt. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tăng 4.9%, tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2007.
Tại Trung Quốc, niềm tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế cho nửa sau năm nay gia tăng trong tuần qua sau khi Chính phủ nước này tuyên bố sẽ thực hiện các chính sách bình ổn vĩ mô và ngân hàng trung ương cho rằng nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái kép.
Trong báo cáo hàng năm về kinh tế Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng thặng dư thương mại của nước này sắp bùng nổ lần nữa nếu Chính phủ không thực hiện các bước đi nhằm hỗ trợ tiêu dùng trong nước, bao gồm cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá.
Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) nâng lãi suất tiền mặt lên 3% như dự đoán. Tuy nhiên Thống đốc RBNZ, ông Alan Bollard cảnh báo rằng dự báo tình hình ngày càng xấu đi của các đối tác kinh doanh chính và cầu trong nước giảm có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách sau này.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 30.72 điểm (0.29%) xuống 10,467.16 điểm, chỉ số S&P 500 rớt 4.59 điểm (0.41%) xuống 1,101.54 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 12.87 điểm (0.57%) xuống 2,251.69 điểm.
Thị trường châu Âu cũng đóng cửa trong sắc đỏ với chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 5.73 điểm (0.11%) xuống 5,313.95 điểm, chỉ số DAX của Đức hạ 44.24 điểm (0.72%) xuống 6,134.70 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp trừ 18.45 điểm (0.5%) xuống 3,651.91 điểm.
Tại châu Á, chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng 0.55%, Hang Seng của Hồng Kông nhích 0.01%, Taiex của Đài Loan cộng thêm 0.18%, Straits Times của Singapore tiến 0.31%. Trái với xu hướng tăng trên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0.59%, All Ordinaries của Australia hạ 0.13%, Kospi của Hàn Quốc lùi 0.15%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3% xuống 2.99%.
Trên thị trường Mỹ, đồng đôla giảm so với đồng euro và đồng yên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 trên sàn NYMEX tăng 1.40 USD/thùng lên 78.39 USD/thùng.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 7.10 USD/oz lên 1,167.50 USD/oz.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 30/07: Mỹ: - 19h30: GDP quý 2 - 19h30: Chi tiêu tiêu thụ cá nhân (PCE) quý 2 - 20h55: Niềm tin người tiêu dùng Canada: - 19h30: GDP tháng 5 Eurozone: - 16h00: Kỳ vọng lạm phát - 16h00: Tỷ lệ thất nghiệp Đức: - 13h00: Doanh số bán lẻ Nhật: - 06h15: Chỉ số sản xuất - 06h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - 06h30: Tỷ lệ thất nghiệp - 06h50: Sản lượng công nghiệp - 12h00: Số đơn đặt hàng trong lĩnh vực xây dựng - 12h00: Số nhà mới khởi công xây dựng |
Nguồn: vietstock