Hiệp hội thép Việt Nam đánh giá rằng: Cả sản xuất lẫn kinh doanh thép trong quý I/2013 đều suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái không phải là điều khó hiểu.
Tồn kho của ngành thép vẫn ở mức cao.
Nhiều doanh nghiệp khó đạt 50% công suất
Kết thúc năm 2012, đa số các chỉ tiêu đặt ra của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) đều đạt thấp so với kế hoạch hoặc có hoàn thành kế hoạch năm nhưng không có tăng trưởng. Năm 2012, Vnsteel lỗ tới 538 tỉ đồng và không có cổ tức. Có những tháng tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ của các đơn vị thành viên của tổng công ty tăng trên 60%, dẫn đến chi phí tài chính tăng trong khi các đơn vị liên tục phải hạ giá bán, có lúc giá bán các mặt hàng thép giảm mạnh không đủ bù đắp chi phí cấu thành sản phẩm.
Còn theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong khi cầu giảm sút thì nguồn cung đối với thép xây dựng trong năm 2013 tiếp tục gia tăng thêm 1,5 triệu tấn/năm nữa. Cụ thể nhiều công ty thép sẽ tăng nguồn cung ra thị trường như Thái Trung 500 nghìn tấn/năm, An Hưng Tường-Bình Dương 250 nghìn tấn/năm, Thép Miền Trung 250 nghìn tấn/năm, Thép Thái Bình Dương 250 nghìn tấn/năm, thép DANA Ý ở Đà Nẵng 250 nghìn tấn/năm.
"Nguồn cung thép đã vốn dĩ vượt xa cầu thì nay sự mất cân đối giữa cung và cầu ngày càng trầm trọng hơn, sẽ buộc nhiều nhà sản xuất phải sản xuất cầm chừng, khó có khả năng đạt được 50% công suất thiết kế" - Hiệp hội Thép nhận định.
Do tình hình cung ngày càng vượt xa cầu, nhất là khi cầu giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước sẽ khốc liệt hơn nên giá bán thép khó có khả năng tăng đột biến.
Ngoài ra, trong quý I/2013, giá các nguyên liệu và sản phẩm thép cùng xu hướng tăng mạnh 2 tháng đầu quý và quay đầu giảm từ cuối tháng 2 cho đến hết tháng 3. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ thành phẩm vẫn ảm đạm nên giao dịch nhìn chung vẫn không sôi động. Hiệp hội thép nhận định trong quý II, giá các nguyên liệu và sản phẩm thép sẽ chững và không có biến động mạnh.
Đầu tư tràn lan, cạnh tranh ác liệt
Trong văn bản Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 13/3/2013, Hiệp hội Thép cho biết: Việc đầu tư tràn lan, không có kiểm soát, không có sàng lọc đã dẫn đến cung vượt xa cầu đối với tất cả các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu), trong khi tổng cầu suy giảm mạnh, buộc các doanh nghiệp phải tiết chế sản xuất, chỉ phát huy được 50% công suất thiết kế.
Việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết khi tham gia WTO, các hiệp định song phương, các doanh nghiệp trong ngành thép còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là thép của Trung Quốc, chưa tính đến gian lận thương mại như pha nguyên tố Bo, biến thép các bon thành thép hợp kim để được hưởng thuế nhập khẩu 0% hay khai sai mã số để trốn thuế.
Do thị trường trong nước bị thu hẹp lại, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu. Song khi xuất khẩu vấp phải kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay áp dụng biện pháp tự vệ chống lại sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Trước tình hình đó, Hiệp hội thép kiến nghị Nhà nước sớm có biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô hướng tới phát triển kinh tế bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần tập trung giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng vốn. Tiếp tục từng bước hạ lãi suất cho vay vì lãi suất tuy có giảm song vẫn quá cao so với mặt bằng lãi suất chung. Đặc biệt xem xét hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống 20%, giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 5%.
Bản thân các công ty trong ngành thép hiện nay cũng đang chật vật tái cơ cấu để "sinh tồn". Đơn cử như Vnsteel. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty thép Việt Nam đặt ra cho năm 2013 là 102 tỉ đồng. Để đạt được điều đó, Vnsteel đưa ra kế hoạch tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống phân phối để đẩy mạnh tiêu thụ và thu hồi công nợ, phòng ngừa tối đa các rủi ro trong khâu bán hàng thu tiền. Tiếp tục chấn chỉnh hệ thống lưu thông phân phối để làm tốt công tác phối hợp giữa đơn vị sản xuất và đơn vị lưu thông trong hệ thống Vnsteel, tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa các đơn vị trong hệ thống nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu giữa các đơn vị trong tổng công ty.
Đặc biệt, Vnsteel sẽ rà soát, đánh giá lại danh mục các dự án đầu tư, dừng các dự án không có khả năng thực hiện, xem xét một cách thận trọng một số dự án đang chuẩn bị đầu tư. Kiên quyết không thực hiện đầu tư bổ sung mới đối với các đơn vị tổng công ty đã có kế hoạch thoái vốn được HĐQT Tổng công ty thép Việt Nam phê duyệt ngày 5/2/2013.
Nguồn tin: Petrotimes