Việc giá thép tăng trong khi lượng nhập khẩu về nhiều, năng suất sản xuất trong nước ổn định, theo một số chuyên gia, thực chất là do... lực cầu từ thị trường.
Đầu tháng 11/2009, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu tăng thuế nhập khẩu thép, để cứu ngành thép trong nước nước làn sóng nhập khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam. Trong khi Chính phủ đang xem xét yêu cầu này thì tình hình thị trường lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Giá bán thép trong nước liên tục tăng nhiều tuần liên tiếp.
Thép thừa nhưng giá vẫn tăng!
Theo số liệu mới đây của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2009, lượng thép nhập khẩu đã lên đến 7,2 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2008. Trong khi đó, thống kê của VSA cho thấy, cùng thời gian trên, năng lực sản xuất của ngành thép đạt 1,8 triệu tấn gang từ lò cao 4,5- 4,7 triệu tấn phôi thép vuông, 7 triệu tấn thép xây dựng các loại, 2 triệu tấn thép cuộn cán nguội, 1,2 triệu tấn thép lá được mạ và 1,3 triệu tấn ống thép.
Nếu tính cả lượng thép sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu thì sản lượng thép thành phẩm ước tính lên đến 18,7 triệu tấn. Trong khi đó, theo VSA, lượng tiêu thụ thép trong năm 2009 ước khoảng 5,2 triệu tấn (3,98 triệu tấn thép xây dựng, 300.000 tấn thép cán nguội, 447.000 tấn ống thép và 401.000 tấn tôn mạ).
Như vậy, lượng thép dư thừa lên tới 13,5 triệu tấn. Đây là một con số quá lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của VSA tính đến hết tháng 11/2009, lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp thuộc VSA chỉ còn khoảng 225.000 tấn (?!).
Theo ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung,Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, "những con số thống kê trên cũng chỉ do VSA đưa ra; hơn nữa, nếu không tiêu thụ được các doanh nghiệp không dại gì tiếp tục nhập. Vì với sản lượng lớn như vậy, chi phí lưu kho, bảo quản là không nhỏ”.
Thép nhập khẩu về nhiều, trong khi giá bán của thép nhập khẩu cũng rẻ hơn nhiều so với thép trong nước khiến lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Hiện giá thép nhập khẩu rẻ hơn thép sản xuất trong nước từ 500-700 ngàn đồng/tấn. Theo tính toán của VSA, lượng thép trong nước chỉ tiêu thụ được khoảng 1/3 sản lượng so với cùng kỳ năm 2008.
Trước tình hình này, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, VSA đã có công văn gì Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan đề xuất một số biện pháp ngăn chặn lượng thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt là thép nguội.
Cụ thể như ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về thép cuộn cán nguội, quản lý để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng và phi tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam; yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, không để các công ty lợi dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng nhập khẩu các chủng loại thép trong nước đã sản xuất được, trong đó có thép cuộn cán nguội. ..
Trước kiến nghị này, trong khi các cơ quan chức năng đang tìm phương án thích hợp để báo hộ ngành thép trong nước thì các doanh nghiệp thép lại bất ngờ tung "chiêu": tăng giá bán thép. Đầu tháng 12/2009, giá bán tại nhà máy (chưa tính thuế giá trị gia tăng) của các đơn vị trực thuộc và liên doanh của Tổng Công ty Thép Việt Nam đã tăng 50.000-150.000 đồng/tấn so với giữa tháng 11.
Ở phía Bác, Thép VPS, Gang Thép Thái Nguyên đã lên mức 11,2-11,4 triệu đồng/tấn. Trong Nam, thép Miền Nam, Vinakyoei cũng đã điều chỉnh giá bán lên thêm 200.000 đồng/tấn. Không dừng lại ở đó ngày 17/12, VSA cho biết, bắt đầu từ ngày 15/12, Công ty Thép Miền Nam (thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) đã chính thức tăng giá bán đối với hầu hết các sản phẩm thép của Công ty. Trong đó thép cuộn và thép cây đã tăng thêm 300.000 đồng/tấn. Trong đó, thép cuộn và thép cây đã tăng thêm 300.000 đồng/tấn.
Vì sao?
Giải thích cho sự tăng giá này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng, sự phục hồi kinh tế cũng như ngành thép của thế giới trong thời gian qua đã khiến cho giá phôi thép bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng lên cũng gián tiếp làm tăng chi phí sản xuất thép.
Ngoài ra, việc Chính phủ siết chặt tín dụng khiến việc mua ngoại tệ khó khăn cũng buộc doanh nghiệp phải tăng giá thép. "Việc tăng giá thép là cần thiết và đã được điều chỉnh hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Nghi nói.
Còn lý do vì sao giá thép nhập khẩu thấp, ông cho rằng sở dĩ thép Trung Quốc trở nên cạnh tranh về giá là vì cách đây một tháng, nước này đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng thép ống, tôn mạ từ 15% xuống còn 0%.
Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề này, ông Cung - Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, không thể có hiện tượng thừa cung mà giá bán tăng và các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu ồ ạt. Theo ông, bản chất của kinh tế thị trường là tự điều tiết, doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, tăng giá bán là do thị trường đang thiếu, hoặc họ dự báo thị trường sẽ tăng trong thời gian tới.
Việc một mặt kêu gọi Nhà nước tiếp tục bảo hộ, một mặt tiếp tục tăng giá thép, theo ông Cung, là ngành thép nội địa đã không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng cũng như tự chứng minh rằng ngành thép trong nước quá lạc hậu, trình độ quản lý, kỹ thuật yếu kém khiến giá thành cao.
"Không thể nói lý do thép Trung Quốc rẻ hơn vì họ bãi bỏ thuế, các doanh nghiệp Vệt Nam đâu phải chịu thuế gì nhưng vẫn tăng giá. Nếu nói do vấn đề chi phí, giá cả nhập khẩu tăng thì toàn thế giới đều phải chịu, ông Cung nói.
Trong khi đó, trong một cuộc hội thảo gần đây, một quan chức của Bộ Công Thương (xin giấu tên) thì cho rằng sở dĩ giá thép tăng cao trong khi lượng cung lớn là do mất cân đối ở tầng vĩ mô. Đó là sự mất cân đối giữa lượng hàng và lượng tiền.
Lượng hàng tăng nhưng lượng tiền còn tăng hơn. Đây được xem là bản chất của lạm phát. Bác bỏ lập luận này, ông Cung cho rằng, nếu diễn ra tình trạng như vậy, nó sẽ thể hiện qua sự tăng trưởng của lạm phát, nhưng hiện nay lạm phát đang được Chính phủ kiểm soát ở mức 7%.
(STOX)