Cuối năm nhu cầu thép xây dựng phục vụ nhân dân sửa chữa, xây dựng nhà cửa và phục vụ các công trình hạ tầng đang gấp rút hoàn thành tăng lên.
Theo Hiệp hội Thép, lượng thép bán ra trong tháng 12 tăng hơn 40% so với tháng trước. Nhưng đáng buồn là từ tháng 11 giá thép đã tăng hơn so với tháng trước trung bình từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn. Từ ngày 15/12, công ty Thép miền Nam thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam lại tiếp tục tăng giá bán đối với hầu hết các sản phẩm thép của công ty. Trong đó, thép cuộn và thép cây tăng 300.000 đồng/tấn. Cụ thể giá bán hiện tại của thép cuộn là 11,47 - 11,62 triệu đồng/tấn, thép trơn bán giá 12,19 triệu đồng/tấn. Thép thanh tăng 200.000 đồng/tấn còn thép tấm lá tăng hơn 1triệu đồng/tấn. Đây là giá bán chưa bao gồm thuế VAT và phí vận chuyển. Hiệp hội Thép lý giải rằng kinh tế thế giới hồi phục nên nhu cầu về thép tăng cao vì thế giá thép và phôi thép trên thế giới tăng đã ảnh hưởng đến giá thép trong nước.
Nghe thì cũng rất có lý. Tuy nhiên, sẽ khó hiểu khi thép nhập khẩu về lại đang bán với giá rẻ hơn thép nội. Tại thời điểm này thép cuộn cán nguội Trung Quốc được bán với giá tương đương 10,5 - 10,9 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép nội cả triệu đồng mỗi tấn. Tính đến 15/11 riêng thép cán nguội nhập về đã trên 620.000 tấn. Đáng chú ý là số thép nhập về có nguồn gốc Trung Quốc, Nga và các nước ASEAN mà thép từ nguồn ASEAN theo đánh giá của Hiệp hội Thép là đáng kể vì các nước khai thác triệt để lợi thế thuế suất thấp của AFTA nên vào nước ta nhiều hơn trước.
Xem ra khó mà giải thích được vì sao giá thép thế giới tăng mà thép nhập về lại có giá thấp hơn giá thép sản xuất trong nước. Theo Hiệp hội Thép, các loại thép nhập khẩu chủ yếu là thép thứ phẩm phi tiêu chuẩn, khổ hẹp nên kém chất lượng hơn (?) Trong khi đó, thép sản xuất trong nước là thép chính phẩm, cán khổ rộng theo đúng tiêu chuẩn cơ sở nhưng giá cao hơn nên không thể cạnh tranh với thép nhập. Hiệp hội cũng đã kêu cứu tới các cơ quan quản lý đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập ồ ạt thép cán nguội và đề nghị Hải quan cần ban hành các quy định chặt chẽ ngăn cản tình trạng này…
Rõ ràng đang có một nghịch lý ở đây. Khi cần tăng giá thì Hiệp hội cho rằng vì giá thế giới tăng nên giá trong nước cũng phải tăng. Nhưng khi bị cạnh tranh vì giá thép nhập thấp hơn hẳn thì Hiệp hội lại kêu gọi nhà nước bảo hộ và đổ cho thép nhập chất lượng thấp hơn thép nội.
Năm 2009, sức tiêu thụ sản phẩm thép cuộn cán nguội tại thị trường trong nước đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn. Các doanh nghiệp trong nước cung ứng được 54% còn lại 46% phải nhập khẩu. Dù thị phần nhỉnh hơn chút ít về loại thép này nhưng nếu giá bán cao cũng khó có thể cạnh tranh nổi thép nhập. Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên việc hàng hóa nói chung và thép nói riêng nhập vào trong nước là chuyện bình thường. Muốn không bị “bắt nạt” thì phải sản xuất ra thép tốt, giá hạ chứ không thể cứ tăng giá và cứ đòi cấm thép ngoại nhập vào. Nếu quả là thép ngoại chất lượng thấp, ngành thép hoàn toàn có thể yêu cầu đưa ra tiêu chuẩn về sản phẩm làm rào cản kỹ thuật kia mà.
Xem ra nếu ngành thép không thay đổi tư duy cứ thích những biện pháp bảo hộ để tăng lợi nhuận cho mình thì khó mà được thị trường ủng hộ.
(KT&ĐT)