Thông thường, những tháng cuối năm, các công trình xây dựng phấn đấu hoàn thành kế hoạch, cộng với nhu cầu sửa chữa nhà mới đón Tết khiến sức tiêu thụ thép tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình năm nay hoàn toàn ngược lại, cả sản xuất, nhập khẩu và sức tiêu thụ thép xây dựng đều giảm mạnh, đẩy mức tồn kho tăng cao.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
Dẫn chứng về sản xuất và sức tiêu thụ thép giảm mạnh thời gian gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sức tiêu thụ thép giảm mạnh nhất rơi vào tháng 6, chỉ đạt 298.000 tấn, sang tháng 7 và tháng 8, nhiều DN đã phải giảm giá bán thép 100.000-300.000 đồng/tấn thì lượng tiêu thụ mới khá lên, được khoảng 483.000 tấn. Tuy nhiên, sang tháng 9, khi thị trường này bắt đầu khởi sắc, giá bán thép đã tăng thêm 200.000-400.000 đồng/tấn so với tháng trước đó thì lượng thép bán ra lại giảm còn 380.000 tấn; tháng 10, lượng thép bán ra tiếp tục giảm, chỉ còn 326.000 tấn và sang tháng 11 - tháng cao điểm trong mùa xây dựng cuối năm cũng chỉ đạt 350.000 tấn. Do sức tiêu thụ yếu nên lượng thép tồn kho ở các DN thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến hết tháng 11 lên đến 365.000 tấn, trong khi mức tồn kho bình quân hằng năm chỉ khoảng 250.000 tấn. Mặc dù lượng tồn kho chưa đến mức báo động, nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng này diễn ra từ tháng 6 đến nay. Đáng chú ý, với lãi suất cao như hiện nay, mỗi tấn thép tồn kho, DN phải trả lãi vay ngân hàng 200.000-300.000 đồng cùng với các khoản chi phí khác. Hiện giá thép cuộn bán ra tại nhà máy, chưa trừ chiết khấu và thuế giá trị gia tăng, phổ biến ở mức 15,7-15,95 triệu đồng/tấn tại phía bắc và từ 16,32-17,4 triệu đồng/tấn ở phía nam; giá bán lẻ thép ngoài thị trường phổ biến ở mức 18-18,7 triệu đồng/tấn. Thông thường, khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm và để kích cầu, nhất là trong bối cảnh thị trường xây dựng ảm đạm như hiện nay, các DN phải chia sẻ khó khăn, phải giảm giá bán để cùng nhau "sưởi ấm" thị trường xây dựng, nhưng các DN sản xuất thép lại giữ nguyên giá bán, chỉ tăng chiết khấu bán hàng cho các đại lý 1-1,5 triệu đồng/tấn. Chính điều này đã không kích thích được sức mua trên thị trường, dẫn đến mức tồn kho lớn.
Tuy nhiên, các DN sản xuất thép lại cho rằng, mặc dù lượng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, nhưng không thể giảm giá bán do hiện nay các nhà máy vẫn còn sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu trước đó với giá cao, nếu giảm giá bán sẽ bị lỗ nặng. Còn các công ty thương mại cho rằng, sở dĩ các hãng thép chưa chịu giảm giá là do sức tiêu thụ đang quá thấp, nếu giảm lúc này rất dễ tác động đến tâm lý khách hàng, muốn chờ giá xuống nữa mới mua, lúc đó sẽ gây bất lợi cho nhà sản xuất. Trong khi đó, để góp phần bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có thép xây dựng, Tổng Công ty Thép Việt Nam đang tiếp tục rà soát các khoản chi phí cấu thành sản xuất nhằm minh bạch giá bán thép xây dựng trên thị trường. Hầu hết các đơn vị sản xuất, phân phối thép thuộc tổng công ty đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công thương và của Chính phủ, niêm yết, phổ biến rộng rãi giá nguyên liệu và giá bán thành phẩm ở từng đại lý phân phối theo từng ngày.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, công suất thép cán cả nước trong năm 2011 đạt khoảng 9 triệu tấn, sức tiêu thụ dự kiến chỉ ở mức 5,6 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2010. Bước sang năm 2012, kinh tế trong nước vẫn chưa hết khó khăn, nên ngành thép trong nước chỉ đặt kế hoạch sản xuất khoảng 9,8 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2011 và tiêu thụ thép dự kiến chỉ tăng ở mức 4% so với năm 2011.
Nguồn tin: HNM