Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép bất ngờ hạ giá bán sản phẩm trong mùa xây dựng cao điểm phát ra nhiều tín hiệu đáng chú ý.
Việc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đột ngột hạ giá bán khoảng 200.000 đồng cho mỗi tấn thép từ giữa tháng 10 dương lịch, đúng thời gian vẫn được xem là cao điểm của mùa xây dựng, có thể xem là một sự lạ đối với ngành thép đang phát triển thuận lợi nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ.
Trước đó, tình hình bán hàng của các doanh nghiệp thép trong nước được xem là sôi động bất ngờ. Lượng thép bán ra trong tháng 8 (thời gian có tháng 7 âm lịch, vốn được xem là tháng cô hồn, không tốt cho việc xây dựng) vẫn tăng vọt ngoài dự tính.
Vì thế, chuyện VNS với các thương hiệu tốt như Thép Thái Nguyên, Thép Miền Nam, lại có lợi thế tự túc được phần đáng kể phôi thép được sản xuất trong nước, bất ngờ hạ giá bán của mình, kéo theo việc hạ giá bán của một số công ty khác trong nước vào giữa mùa tiêu thụ thép đã phát ra nhiều tín hiệu đáng chú ý.
Một chuyên gia ngành thép cho hay, việc VNS phải bất ngờ hạ giá bán thép có liên quan chặt chẽ với việc nhập khẩu thép đang có dấu hiệu gia tăng gần đây. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm nay, khiến năng lực sản xuất hiện đã xấp xỉ 7 triệu tấn/năm, thừa gần gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ, buộc các doanh nghiệp thép bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.
Tháng 9 vừa qua, lượng thép tiêu thụ trên thị trường đã giảm khoảng 100.000 tấn so với tháng 8 liền kề dù, trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép của 9 tháng vẫn tăng trên 200%.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, việc giảm giá bán của các doanh nghiệp đúng mùa cao điểm còn do thép ngoại tràn vào khiến thị phần của các doanh nghiệp trong nước giảm. Ước tính trong tháng 9 vừa qua, đã có hơn 40.000 tấn thép cuộn được nhập khẩu vào nước ta với giá bán rẻ hơn 500.000 – 700.000 đồng/tấn, khiến thị phần của thép trong nước đã giảm đi trông thấy.
Hiện giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc chỉ còn 490 - 500 USD/tấn (giảm 10 - 20 USD/tấn so với cuối tháng 8), thậm chí, có một số lượng phôi chào với giá 480 - 485 USD/tấn.
Với giá bán khoảng 11,1 triệu đồng/tấn (đã bao gồm VAT), giá thép cuộn nhập khẩu từ Malaysia có thuế suất 0% đang rẻ hơn ít nhất 700.000 đồng/tấn so với thép bán trên thị trường. Ước tính, thép từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… đã nhập khẩu về khá nhiều, trong đó thép cuộn đã chiếm tới 70% thị phần trong nước.
Đây cũng là thực tế đáng báo động, bởi các số liệu được VSA đưa ra vào đầu năm 2008 cho thấy, lượng thép cuộn nhập khẩu mới chiếm khoảng 28% thị phần trong nước.
Tuy nhiên, sự có mặt và lấn sân của thép ngoại còn bởi chính những điểm yếu sẵn có của ngành thép. Trên thực tế, chính sách kích cầu cho doanh nghiệp sản xuất vay vốn với lãi suất thấp và kích cầu về thị trường xây dựng của Chính phủ thời gian qua đã khiến doanh nghiệp thép được hưởng lợi kép.
Đã vậy, một số điều chỉnh khác về thuế nhập khẩu cũng giúp các doanh nghiệp thép trong nước có lợi thế hơn thép nhập khẩu. Nhưng với lý do muôn thủa “phôi thép phải nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường thế giới”, nên giá thép trong nước từ đầu năm 2009 tới nay chỉ có tăng chứ không hề giảm. Vì vậy, khi thép thành phẩm được nhập khẩu ngày càng nhiều với giá rẻ hơn, thì chuyện người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt có giá thành cao là điều khó tránh.
Quy mô nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu ở nhiều doanh nghiệp thép đã khiến chi phí sản xuất lớn, dẫn tới giá thành cao. Tuy nhiên, bởi vẫn bán được hàng nên đầu tư sản xuất thép ở quy mô nhỏ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Đã có những doanh nghiệp thép như Công ty liên doanh Vinakyoei với mức công suất chỉ 300.000 tấn thép cán/năm, nhưng sau hơn 10 năm hoạt động gần như chưa biết tới từ “lỗ” trong bảng tổng kết tài sản. Việc đầu tư thêm khâu sản xuất phôi của Vinakyoei dù được lên kế hoạch từ khá lâu, nhưng tới nay vẫn chưa có chuyển động trên thực tế.