Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngoại tệ - vàng biến động mạnh do đầu cơ !

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, ông Vũ Viết Ngoạn - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến biễn động lớn của thị trường ngoại hối và thị trường vàng chủ yếu do yêu tố tâm lý và thiếu thông tin.

- Theo ông, đợt tăng giá vàng bất thường vừa rồi bắt nguồn từ đâu ?

Vàng trong nước hiện liên thông với thị trường quốc tế. Tuy nhiên mấy ngày qua, giá vàng trong nước tăng thái quá, đây là điều không bình thường. Cơ bản do yếu tố đầu cơ. Bởi vì dân cư và nhà đầu tư thiếu thông tin, đầu tư theo phong trào, theo số đông, bầy đàn. Yếu tố quan trọng  nữa là người dân quan tâm đến vàng, tích trữ vàng trở thành tập quán văn hóa từ lâu.

- Ngay sau giải pháp của Ngân hàng nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thêm vàng, vàng đã hạ nhiệt. Nhưng liệu đủ để ổn định thị trường ?

Trước mắt giải pháp này là cần thiết bởi nhu cầu vàng rất cao. Nếu cắt đứt một dòng lưu thông trong nước và ngoài nước sẽ đẫn đến đầu cơ. Vì vậy phải hạn chế tâm lý thiếu vàng trong nước. Và trên thực tế nó đã phát huy tác dụng ngay lập tức.

- Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng của Ngân hàng nhà nước còn chậm và lúng túng ?

Giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay lúc lên lúc xuống nhưng nói chung có xu hướng tăng mạnh. Theo dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng. Có nhà phân tích dự báo lên tới 1.500 USD/oz, thậm chí  lên tới 2.000USD/oz. Thứ nhất là khi có những biến cố về chính trị, kinh tế, thiên tai, người ta cũng tìm đồng tiền trú ngụ là vàng.

Thứ hai, về mặt lâu dài là hiện nay dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... tăng cao. Riêng Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của là 2.600 tỷ. Trong 10 năm nữa nếu Trung Quốc tiếp tục bội thu thương mại thì dự trữ có thể lên tới 4 - 5 nghìn tỷ USD, dự trữ vàng cũng tăng rất lớn. Đó là chưa kể nếu như chiến tranh tiền tệ xảy ra nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương sẽ còn tăng. Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán. Nếu các yếu tố phát sinh về chính trị, kinh tế, thiên tai... có thể thay đổi nhu cầu nữa.

Các giải pháp Ngân hàng nhà nước đưa ra để đảm bảo giá vàng trong nước không cao hơn quá nhiều so với giá vàng quốc tế theo tỷ giá quy đổi nhưng nếu giá vàng quốc tế tăng thì giá vàng trong nước sẽ phải tăng theo.

- Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước khó ổn định do một lượng vàng và ngoại tệ khá lớn tích trữ trong dân chưa được lưu thông ?

Rất khó. Tôi nghĩ cần nghiên cứu kỹ. Bên cạnh vấn đề làm cho nền kinh tế ổn định tạo lòng tin cho người dân cần có biện pháp kỹ thuật để khai thác nguồn lực này.

- Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến yếu tố tâm lý đó chính là thông tin. Tuy nhiên, dường như thông tin về các chính sách trong thời gian vừa qua thiếu minh bạch, rất nhiều thông tin người dân cần biết rõ nhưng lại quy là “nhạy cảm” khiến người dân không có đầy đủ thông tin. Chẳng hạn như  số lượng vàng cho nhập khẩu, số lượng ngoại tệ và cách thức “bơm” ra thị trường như thế nào ?

Theo tôi nhạy cảm hiểu theo phạm vi hep thôi. Còn chính sách, biện pháp vừa qua là công khai nhưng có điều do cách thức chúng ta giải thích về chính sách có phần chưa quyết liệt, mạnh mẽ. Chính sách đưa ra mà không được giải thích tuyên truyền đầy đủ khiến điều kiện dân cư tiếp cận và hiểu đầy đủ là ít. Vì vậy bên cạnh các chính sách công tác thông tin tuyên truyền giải thích rõ về chính sách đó phải tăng cường thêm.

- Hiệp hội kinh doanh vàng VN đã nhiều lần kiến nghị bỏ giấy phép nhập khẩu vàng để doanh nghiệp chủ động nguồn cung cho thị trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Theo cá nhân tôi thì chưa nên bỏ giấy phép. Phải thừa nhận việc mua bán vàng diễn ra khá sôi động, khối lượng tích trữ lớn nhưng cần cân nhắc nghiên cứu để có chính sách phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế chúng ta. Tuy nhiên đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách cần nhạy bén hơn.

- Vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ để ổn định thị trường ngoại hối và vàng ?

Trên thị trường ngoại hối, giá USD tăng khá nhiều do nhiều yếu tố. Thứ nhất, xét về mặt nền tảng cơ bản của nền kinh tế nhập siêu trong nhiều năm qua đã dẫn đến cân đối ngoại tệ không đảm bảo cân bằng. Vừa rồi Chính phủ có đề suất nhập siêu giảm xuống còn 15% của xuất khẩu vào năm 2015. Tôi cho rằng như vậy là rất chậm cần đẩy nhanh hơn nữa. Thứ hai là gần đây chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, tâm lý của dân cư đang lo ngại việc đồng VN mất giá và chính sách tỷ giá có thể thay đổi dẫn đến tỉ giá bị sức ép. Nhóm nhân tố tiếp theo là giá vàng tăng cao dẫn đến giá USD tăng, khiến cho các mặt hàng khác tăng theo, trong đó có vàng.

Ở các nước phát triển, nếu giá vàng tăng cao thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì nó có sự phân lập rất rõ. Nhưng ở VN ngay lập tức tác động đến giá lương thực, thực phẩm. Và khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nó lại tạo  ra vòng luẩn quẩn đẩy tỷ giá lên cao. Yếu tố cơ bản của nền kinh tế hiện nay chưa đến mức làm cho đồng VN bị mất giá mà chủ yếu là tâm lý thái quá. Bởi vậy, bên cạnh chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cần có giải pháp tuyên truyền giải thích để người dân hiểu rõ, bình tĩnh, tránh đầu cơ, không có lợi cho nền kinh tế nói chung và cho từng nhà đầu tư nói riêng.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn: DDDN

ĐỌC THÊM