Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngổn ngang xi-măng, sắt thép

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tồn kho của hai ngành công nghiệp chủ lực là thép và xi-măng hết sức đáng ngại.

 

6 tháng đầu năm, xi-măng tồn kho 23%, thép tồn kho 10% - Ảnh: Quý Hòa

6 tháng đầu năm, xi-măng tồn kho 23%, thép tồn kho 10% - Ảnh: Quý Hòa

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản xuất xi măng toàn ngành 5 tháng đầu năm đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,80% so với cùng kỳ năm 2011, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành lại tăng khoảng 10% so với năm 2011 dẫn đến lượng xi-măng tồn kho khá cao.

Hiện, mức tồn kho 6 tháng đầu năm nay của ngành đã lên đến 3 triệu tấn và theo ước tính, dù nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 đạt đúng dự kiến khoảng 47-48 triệu tấn, xuất khẩu là 7-8 triệu tấn, thì lượng xi-măng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) vẫn bị thừa khoảng 6 triệu tấn xi-măng trong năm nay, tăng 23% so cùng kỳ.

Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng nhanh càng làm cho doanh nghiệp sản xuất khốn đốn. Giá than từ năm 2011 đến nay đã tăng 170%, điện tăng 19%, dầu tăng 40%. Tuy nhiên, các DN vẫn không thể tăng giá bán mà có tăng giá thì cũng khó tiêu thụ.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, một số DN xi-măng còn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 18-20%, cá biệt có trường hợp trên 20%.

Thời điểm 2011, 2012 và một vài năm tới là đỉnh điểm của giai đoạn trả nợ vốn đầu tư của các công ty xi-măng. Mặc dù gần đây, các ngân hàng đều hạ lãi suất cho vay xuống mức 12-13%/năm nhưng vẫn chưa có DN xi-măng nào vay được vốn với mức lãi suất 14-15%/năm.

Đại diện Công ty xi-măng Fico Tây Ninh cho biết: 6 tháng đầu năm nay, sản lượng xi-măng của Công ty thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10%, năm 2011 lại giảm hơn 10% so với năm 2010. Riêng lượng hàng tồn kho trong tháng 6/2012 của công ty là 15-16.000 tấn.

Trong lúc khó khăn chưa được tháo gỡ, gần đây giá điện lại dự kiến tăng 6,8% khiến các DN ngành xi-măng càng thêm khó khăn. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nếu giá điện tăng 6,8% thì ngành xi-măng phải chi thêm khoảng hơn 300 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.

Không khá hơn xi-măng là mấy, ngành thép cũng đang đứng ngồi không yên. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, 6 tháng, các DN trong ngành đã sản xuất được 2.250.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ 2011.

Lượng thép tiêu thụ cũng đạt xấp xỉ con số đó, tương đương 2,22 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.

Tồn kho tính đến hết 6 tháng đầu năm là 370.000 tấn, và đây là mức tồn cao so với mức cho phép khoảng 250.000 tấn. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng và chi phí sản xuất đang là bài toán khó cho ngành thép.

Ước tính, với mỗi một tấn thép thì DN phải chịu lãi suất ngân hàng khoảng 250.000 đồng/tháng. Do vậy, nhiều DN đã 2 tháng không sản xuất, thậm chí là giảm từ 3 ca xuống còn 2 ca để bớt công suất.

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thêm 5% vào cuối tháng 6/2012 vừa qua cũng tăng thêm mối lo. Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6-7% giá thành sản xuất của các DN thép.

Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh. Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một DN sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỷ đồng/tháng.

Đáng lo ngại hơn, theo tính toán của giới tài chính, hệ số nợ/tổng tài sản (D/A) bình quân của 15 DN ngành thép là 63% hay nói cách khác, cứ mỗi 100 đồng tài sản được tạo ra từ 63 đồng vay nợ. Trong số đó, nhiều DN nợ chiếm hơn 80% tổng tài sản.

Đại diện hiệp hội, tổng công ty các DN ngành thép và xi-măng cho biết thời gian qua đã tìm đủ mọi cách “vượt khó” từ phương thức bán hàng, tiết giảm chi phí, xuất khẩu...

Ông Lê Văn Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Chưa bao giờ các công ty xi-măng lại đua nhau đưa ra quá nhiều chương trình khuyến mãi như hiện nay, nào là thưởng xi-măng, hỗ trợ phí vận chuyển, tặng phiếu siêu thị đến tặng quà, thưởng cho đại lý các tour du lịch trong và ngoài nước...

Thậm chí, có công ty còn cạnh tranh bằng cách giảm giá bán (nhưng trong hóa đơn vẫn ghi đúng giá bán Nhà nước quy định là 1.650.000 đồng/tấn). Các chương trình nhiều và liên tiếp diễn ra đến nỗi chúng tôi không nhớ nổi chương trình của công ty nào”.

Nhưng có lẽ điều mà hai ngành công nghiệp gặp khó đang trông đợi là phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, khi cho biết: Hệ thống ngân hàng sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng để giải quyết hàng hóa tồn kho hiện nay.
 

Nguồn tin: DN

ĐỌC THÊM