Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp thép đẩy mạnh đầu tư nâng công suất

 Giá thép tăng mạnh thời gian qua bởi giá nguyên vật liệu tăng và thiếu cung.
Trung Quốc đang ép giảm sản lượng bằng không khuyến khích xuất khẩu và tăng nhập khẩu.
Hòa Phát, Nam Kim, SMC đang xúc tiến đầu tư để nâng công suất.

Doanh nghiệp thép xúc tiến đầu tư tăng công suất đáp ứng nhu cầu

Từ đầu năm 2020, giá thép liên tục tăng và thiết lập những kỷ lục mới. Giá thép xây dựng tính đến cuối tháng 4 giao dịch ở vùng giá 16.500-17.000 đồng/kg tùy thương hiệu và khu vực, tăng mạnh so với vùng giá 11.000-12.000 đồng/kg năm 2020.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 4, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cho biết đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu tăng cao mà còn đến từ việc thiếu cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Trong 10 năm qua, các nước phát triển không vận hành lò cao sản xuất thép, chỉ còn lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường. Điều này dẫn đến nguồn cung không còn dư thừa như khoảng thời gian trước nữa trong khi nhu cầu thế giới tăng cao cho mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo không áp dụng chính sách giảm VAT 13% với 146 sản phẩm thép xuất khẩu, trong đó có thép cuộn cán nóng, thép cuộn và thép thanh, hiệu lực từ 1/5. Cùng với đó, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu với gang, thép thô và thép tái chế xuống 0%.

Bình luận với Người Đồng Hành về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành thép đánh giá hành động này cho thấy Trung Quốc đang muốn cắt giảm sản lượng thép thông qua không khuyến khích xuất khẩu thép và mở cửa cho sản phẩm thép nhập khẩu. Mặt khác, điều này cũng sẽ có tác động đến giá thép khi mà sản phẩm thép Trung Quốc không còn được bảo trợ, không thể xuất khẩu với giá rẻ như trước đây nữa.

Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp thép đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cao công suất đón cơ hội.

Thép Nam Kim lên kế hoạch đầu tư kho hàng cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép trên diện tích 5 ha tại Bình Dương với tổng đầu tư 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã mua nhà máy bột giấy Dae Myung Paper Việt Nam với mục tiêu chuẩn bị quỹ đất cho việc đầu tư trên.

Trong khi đó, Công ty Đầu tư Thương Mại SMC (HoSE: SMC) đang triển khai đầu tư 3 dự án nhà máy tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2. Đó là nhà máy gia công thép SMC Phú Mỹ, cơ khí chính xác SMC Phú Mỹ và liên doanh gia công thép hợp tác với Công ty Samsung C&T.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT cho biết tất cả nhà máy của SMC đều hoạt động hết công suất, kho bãi không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải đầu tư mới. Doanh nghiệp quyết tâm khởi công đầu tư các nhà máy mới vào tháng 1 và cố gắng đến tháng 7 phải xong phần xây dựng để quý III đưa cả 3 nhà máy vào hoạt động.

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022, tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án có công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC), 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng.

Theo ban lãnh đạo Hòa Phát, nhu cầu HRC trong nước khoảng 12 triệu tấn, tăng trưởng 10%/năm, Tuy nhiên, tổng công suất của Hòa Phát và Formosa mới đạt 8 triệu tấn. Mỗi tháng tập đoàn sản xuất 250.000-300.000 tấn HRC nhưng lượng đơn đặt hàng vượt 300% so với công suất.


Nhiều doanh nghiệp thép lên kế hoạch đầu tư tăng công suất nhà máy.

Kết quả kinh doanh quý II tiếp tục khả quan

“Được mùa được giá”, các doanh nghiệp thép đồng loạt báo cáo lợi nhuận quý I kỷ lục, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Như Hòa Phát lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; Hoa Sen lãi 1.035 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; Thép Nam Kim lãi 319 tỷ đồng, gấp 7,7 lần…

Chia sẻ thông tin tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên mới đây, đa phần lãnh đạo các doanh nghiệp thép đều đánh giá quý II kết quả kinh doanh vẫn rất tốt, sang đến quý III và IV thì còn nhiều rủi ro,

Cụ thể, Thép Nam Kim đề ra kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng nhưng vị CEO cho rằng có thể đạt 19.000 tỷ đồng hoặc hơn. Về con số lợi nhuận 600 tỷ đồng thì đến tháng 6 có thể đạt hoặc vượt. Ban lãnh đạo Nam Kim đề cao công tác quản trị rủi ro trước diễn biến giá thép tăng cao và biến động khó lường.

Năm 2021, khác với các doanh nghiệp thép khác, Đầu tư SMC lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm trước. Riêng quý I, doanh nghiệp đã thực hiện 69% kế hoạch lợi nhuận với 208 tỷ đồng.

Chủ tịch SMC cũng đánh giá quý II thị trường thép tiếp tục khả quan, xu hướng thép tăng giá diễn ra trên bình diện toàn cầu vì thiếu cung, giá nguyên liệu tăng. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhu cầu thép cũng đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ hằng năm. Quý III và IV sẽ phải quan sát thêm, tuy nhiên xét chung thì năm 2021 là năm rất thuận lợi với ngành thép.

Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết quý I lãi 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và quý II có thể tốt hơn quý I, theo đó cả năm có thể cao hơn con số 20.000 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh nghiệp đạt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng, cùng tăng 33% so với thực hiện năm trước.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM