Sau 2 năm chuẩn bị, dự án Liên hợp thép Tata-VNSteel 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh có nguy cơ bị đổ bể vì những thay đổi bất ngờ của địa phương.
“Bỗng dưng” mất địa điểm
Thông tin từ giới chuyên gia ngành thép cho hay, có quá nhiều dấu hỏi cho sự “nhùng nhằng” trong việc cấp phép dự án tỷ đô này.
Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam góp 35% vốn, đặt tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Công suất nhà máy thiết kế 4,5 triệu tấn/năm với sản phẩm là thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thời gian xây dựng từ 2009-2015, chia làm 2 giai đoạn. Nguồn nguyên liệu chính là quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.
Vào thời điểm các bên ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào tháng 5-6/2007, dự án này khá nổi tiếng, hứa hẹn hiệu quả kinh tế lớn cho ngành thép Việt Nam.
Bởi lẽ, khu liên hợp gắn liền với mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Việt Nam, đồng thời, chủ đầu tư lại là tập đoàn số 1 về thép của Ấn Độ và 3 năm liền được xếp hạng sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất trong các tập đoàn thép lớn của thế giới.
Đến tháng 6/2008, dự án này đã hoàn thành luận chứng kinh tế FS và đã trình hồ sơ dự án để xin giấy chứng nhận đầu tư. So với kế hoạch lập FS là sớm hơn 3 tháng.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, khi thời hạn lập FS còn chưa kết thúc thì đùng một cái, vị trí dự kiến xây dựng nhà máy của Tata đã được Hà Tĩnh quyết định cấp cho một dự án thép khác- khu liên hợp thép Formosa- Sunsco của Đài Loan.
So với dự án của Tata-VNsteel thì dự án này có phần “hoành tráng hơn”. Tổng vốn đầu tư là 7,9 tỷ USD, diện tích rộng 3.035ha, công suất 15 triệu tấn/năm với 2 giai đoạn.
Điều đáng nói là, ngay cả dự án lớn này cũng là diện nằm ngoài quy hoạch thép.
Lẽ dĩ nhiên, tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã hứa sẽ tìm địa điểm mới cho nhà máy liên hợp thép của Tata. Song qua hơn 1 năm, đến nay, nguyện vọng đầu tư vào Việt Nam của Tata vẫn còn nằm ở cửa chờ giấy phép.
Thay đổi như chong chóng
Nói dự án này đứng trước nguy cơ bị loại là bởi đến phút chót, lại phát sinh sự thay đổi của chính quyền địa phương. Nếu không có phát sinh này thì dự án trên có thể được cấp phép trong tháng 6, tháng 7 vừa qua và đã khởi công.
Trong công văn mới đây gửi các nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cho biết, sẽ chỉ cấp diện tích là 725ha cho khu liên hợp thép, khu dịch vụ của dự án sẽ rút từ 50ha xuống chỉ còn 37ha, chiều dài tiếp giáp mặt biển chỉ được 1,8km, rút ngắn 400m so với dự kiến của chủ đầu tư.
Theo Ban quản lý, nếu chiều dài tiếp biển mà tới 2,2km thì sẽ phá vỡ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, đồng thời, không còn đất để bố trí cho dự án lọc dầu.
“Đây là sự ưu tiên đặc biệt cuối cùng đối với các nhà đầu tư”, công văn của Ban quản lý này nhấn mạnh.
Nguyên nhân sâu xa là do sau khi đã cấp đất cho Formosa-Sunsco, quỹ đất trở nên hạn hẹp và không còn đủ diện tích đất như đề xuất ban đầu của Tata.
Điều đáng lưu tâm, chỉ mới tháng 6 vừa qua, tại cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì, mọi chi tiết về cấp đất cho dự án trên như chiều dài 2,2km giáp biển… đã được các bên thống nhất. Sau đó, Bộ này cũng đã báo cáo kết quả cuộc họp tới Thủ tướng.
Trong thư gửi Bộ Công Thương đầu tháng 8, tập đoàn Tata cho biết, cần thiết phải giữ nguyên 2,2km chiều dài tiếp biển của khu liên hợp, bởi đây là chiều dài tối thiểu cần có để vận hành công nghệ luyện thép, thuận tiện vận chuyển đường biển, chi phí đầu tư giảm và đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Ngày 12/8, Bộ Công Thương đã phải ra văn bản “nhắc” địa phương cần đáp ứng việc cấp đất như thoả thuận ban đầu với nhà đầu tư, giữ nguyên chiều dài tiếp giáp biển.
Tuy nhiên, vị đại diện của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) bày tỏ, trong cơ chế phân cấp đầu tư thì Bộ này chỉ có thể có tham gia kiến nghị, còn quyền quyết định vẫn là thuộc về địa phương.
Câu chuyện này để lại nhiều băn khoăn vì sao, tỉnh Hà Tĩnh lại dành ưu đãi cho nhà đầu tư Đài Loan khi cả tên tuổi, năng lực tài chính, kinh nghiệm làm thép được giới chuyên ngành đánh giá không bằng nhà đầu tư của Ấn Độ.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành, ông chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói, với Formosa thì thép mới là sự bắt đầu. Formosa chỉ chuyên về hoá dầu và plastic, không có kinh nghiệm làm thép. Sunsco có chút ít kinh nghiệm về sản xuất thép tấm lá, nhưng năng lực tài chính có hạn nên chỉ tham gia 5% vốn.
Có lẽ, đây là câu chuyện điển hình cho những tồn tại trong cơ chế phân cấp triệt để cho địa phương đối với lĩnh vực thu hút FDI. Nhà đầu tư đến sớm, có thể vẫn bị chậm chân trước sự thay đổi khó lường của địa phương.
Sự nhùng nhằng ấy chắc rằng sẽ gây ra những khó hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, về tính minh bạch, nhất quán trong chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng khẳng định, tháng 9 tới, Hà Tĩnh sẽ nằm trong danh sách đen cần rà soát các dự án thép ngoài qui hoạch của đoàn kiểm tra Bộ Công Thương.