Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguy cơ hàng giả bắt tay kênh phân phối

Trên thị trường tôn thép đang có hiện tượng các đơn vị làm tôn giả “bắt tay” với nhà phân phối để đưa lượng lớn tôn giả lưu thông vào thị trường. Phần lớn tôn giả được tiêu thụ trên thị trường là tôn nhập khẩu kém chất lượng đưa vào Việt Nam để gia công, in dập thương hiểu nổi tiếng trong nước và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Với chất lượng khá tốt, ngay sau khi ra mắt thị trường vào năm 2010, hai thương hiệu Tôn Thăng Long và Tôn Việt Ý của CTCP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long đã được người tiêu dùng tin cậy. DN cũng phát triển mạng lưới trên khắp cả nước. Tuy nhiên, ngay sau khi được thị trường chấp nhận, theo ông Trịnh Đình Hùng, Phó tổng giám đốc CTCP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, hàng giả hàng nhái mang hai thương hiệu của DN xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng tăng.

Trên nhiều địa bàn có thị phần tiêu thụ lớn hiện nay, sản phẩm Tôn Thăng Long và Tôn Việt Ý đã bị các đối tượng in nhái thương hiệu của Tôn Thăng Long, Tôn Việt Ý lên trên sản phẩm tôn mạ chất lượng kém, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các loại tôn nhái, tôn giả kém chất lượng làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin của người tiêu dùng với nhà sản xuất, kinh doanh uy tín, thiệt hại cho DN.

“Mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp như quảng bá, xây dựng hệ thống phân phối, cải tiến mẫu mã, bao bì… song cũng chỉ làm giảm mức độ hàng giả, hàng nhái”, ông Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng hàng tôn, sắt thép bị làm giả rất đáng quan ngại. Cũng bởi, có lần được “mục sở thị” lô thép giả thấy cây thép chịu lực trong xây dựng mà có vết nứt ngang thân tới quá nửa. Tình trạng sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, ngay đến cả nhà sản xuất cũng khó phân biệt nên người tiêu dùng nhầm lẫn là điều dễ hiểu.

Chính bởi vậy, trên thị trường tôn thép đang có hiện tượng các đơn vị làm tôn giả “bắt tay” với nhà phân phối để đưa lượng lớn tôn giả lưu thông vào thị trường, lừa dối người tiêu dùng.

Được biết, phần lớn tôn giả được tiêu thụ trên thị trường là tôn nhập khẩu kém chất lượng đưa vào Việt Nam để gia công, in dập thương hiểu nổi tiếng trong nước và đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm nay, các công ty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc về để tiêu thụ trong nước. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch của VSA cho rằng, đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng tôn giả, tôn nhái ngày càng gia tăng.

Đáng quan ngại hơn, luồng hàng nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, trở thành nguy cơ tiềm ẩn của vấn nạn làm giả nói trên. Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, ông Trần Việt Hưng cho biết, nếu như trong năm 2013 nhập khẩu tôn mạ của Việt Nam là 600.000 tấn thì dự kiến năm 2014 sẽ nhập khoảng 700.000 tấn.

Trước tình trạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, ông Lê Thái Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, trước hết các DN cần có ý thức tự bảo vệ sản phẩm của mình, trên cơ sở thiết lập kênh phân phối sản phẩm, ban hành quy chế, quản lý cơ sở đại lý và niêm yết giá nghiêm túc.

Tuy nhiên, đây là cuộc chiến dài hơi nên cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, với các giải pháp đồng bộ như xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, vận dụng linh hoạt điều luật về cạnh tranh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có chiến dịch làm thường xuyên liên tục để ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

Nguồn tin: Ngân hàng

ĐỌC THÊM