Sáng 7/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Cập nhật khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với tựa đề “Nỗ lực đẩy lùi suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Tăng trưởng khu vực Đông Á đạt khoảng 5,3%
Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới đối với tình hình kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, hiện “có những dấu hiệu cho thấy le lói hy vọng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm hồi phục vào giữa 2009, trong khi các nước trong khu vực gồng mình hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp dâng cao do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Các chuyên gia WB cho biết, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu nhờ gói kích cầu khổng lồ có nhiều khả năng bắt đầu năm nay và triển khai rộng vào năm 2010, đóng góp đáng kể vào sự ổn định và sự phục hồi của khu vực. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường đang tiếp tục suy thoái, bản báo cáo cập nhật cảnh báo sự phục hồi kinh tế thực sự của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ do tình hình tại các nước phát triển quyết định.
Trước sự giảm sút đáng kể xuất khẩu và sức cầu trong nước đang chậm lại, Ngân hàng Thế giới dự báo khu vực các nền kinh tế đang phát triển Đông Á sẽ chỉ đạt tăng trưởng GDP thực ở mức 5,3% trong năm 2009, giảm so với 8% năm 2008 và 11,4% năm 2007. Tháng trước, trong báo cáo cập nhật kinh tế Trung Quốc hàng quý, WB đã hạ mức dự báo cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,5% cho năm nay, từ mức 13% trong năm 2007.
Các nước thu nhập thấp trong khu vực được dự báo sẽ bị “ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi suy thoái và sự can thiệp không mấy hiệu quả của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn nhất”. Campuchia có khả năng phải đối mặt với mức tăng trưởng giảm mạnh nhất do sức cầu yếu đối với các mặt hàng may mặc và du lịch; trong khi Lào, Mông Cổ, Papa New Guinea và Timor Leste sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề của giá hàng hóa tụt dốc.
Tăng trưởng yếu sẽ làm chậm lại tiến trình giảm nghèo trong khu vực. So với dự báo một năm trước, năm nay, hơn 10 triệu người nữa vẫn phải sống dưới chuẩn nghèo. Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Timor Leste dự báo sẽ phải đối mặt với tỷ lệ nghèo tăng lên.
Cơ chế tỷ giá linh hoạt
Về Việt Nam, các chuyên gia WB cho hay: Bất chấp những trở ngại, Việt Nam vẫn vượt qua năm 2008 khá thành công và tính cả năm 2009, tăng trưởng dự báo chậm lại ở mức 5,5%.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Việt Nam thấp. Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không đáng kể do các ngân hàng của Việt Nam không tiếp cận với các sản phẩm “độc hại” cũng như không nằm trong quyền kiểm soát của các ngân hàng nước ngoài trong diện rủi ro cao. Lo ngại về những vấn đề trong nước bắt nguồn từ việc cho vay đầu tư bất động sản thiếu thận trọng vào cuối 2007 đầu 2008 đang dần lắng xuống.
Các ngân hàng cổ phần lớn đều tăng vốn cổ đông, duy trì mức lợi nhuận và cải thiện danh mục đầu tư. Các ngân hàng nhà nước đã xiết chặt cơ chế cho vay và thu lợi nhuận lớn thông qua việc mua lại trái phiếu bán ra bởi nhà đầu tư ngoại. Thậm chí, khối ngân hàng cổ phần nhỏ và yếu hơn cũng thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu theo quy định, bản báo cáo cập nhật nhận định.
Cũng theo tổ chức này, nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán của Việt Nam thấp. Thâm hụt thương mại trong 6 tháng vừa qua vào khoảng 2,2 tỷ USD, trong khi các luồng FDI, ODA và kiều hối đạt 16 tỷ USD trong năm 2008. Kiều hối và các khoản giải ngân vốn ODA ổn định trong suốt năm qua. Thâm hụt thương mại giảm chuyển dần sang thặng dư nhỏ.
“Thực tế là xuất khẩu giảm với mức sụt giá mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu kể từ giữa năm 2008 và số lượng đơn đặt hàng thưa thớt đối với các sản phẩm may mặc, giầy dép và các sản phẩm khác cho thấy xu hướng xuất khẩu tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác là do khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần”, WB lý giải.
Thâm hụt thương mại năm 2009 ước tính ở mức thấp hơn và các luồng vốn ngắn hạn có thể hạn chế sự biến động của tỷ giá hối đoái. Khả năng giảm giá thực tế đồng tiền Việt Nam trong năm 2009 là thấp, tuy nhiên Chính phủ đang từng bước áp dụng một cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn. Chính sách tiền tệ được đưa ra đúng lúc đã giảm thiểu tác động của các cú sốc từ biến động về giá cả trên thế giới và nhu cầu xuất khẩu.
Cũng theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, tín dụng ngân hàng và bảo lãnh vay với lãi suất thấp có thể kéo lại sức cầu do đầu tư thương mại đã cạn kiệt nguồn vốn. Mặc dù, tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp không thể khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nếu như không có nhu cầu đối với các sản phẩm của họ. “Sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công. Xây dựng là ngành có khả năng bù đắp lớn nhất cho việc sụt giảm ngành sản xuất trong nước”, WB nhấn mạnh.