Cục quản lý cạnh tranh vừa báo cáo Bộ Công Thương về việc nơi này đang phân tích đơn từ Indonesia và Thái Lan yêu cầu phải áp dụng biện pháp chống bán phá giá mặt hàng thép mà một số doanh nghiệp Việt Nam xuất sang đây.
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp thép là khá rõ.
Cảnh báo sớm đã thành hiện thực
Những cảnh bảo về việc áp đặt hàng rào phi thuế quan (qua các biện pháp khởi kiện chống bán phá giá, tự vệ thương mại) để ngăn chặn thép nhập khẩu sản xuất tại Việt Nam vào các thị trường lớn ở Đông Nam Á đang dần trở thành hiện thực đối với sản phẩm tôn cán nguội và tôn mạ của Việt Nam do Indonesia đã khởi kiện và Thái Lan đã gửi thư sang Hiệp hội thép Việt Nam cảnh báo về việc này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép tại quốc gia họ.
Tháng 9 năm 2012, Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc), doanh nghiệp có nhà máy thép cán nguội công suất 1,2 triệu tấn/năm và nhà máy thép không gỉ cán nguội (235 ngàn tấn/năm) đã gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị phải xây dựng hàng rào phi thuế quan ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm thép cán nguội, tôn cán nguội của các quốc gia khác vào thị trường nội địa.
Tình trạng tiêu thụ thép trong nước giảm sút, nhiều doanh nghiệp cán nguội đứng trước tình hình đầy rẫy khó khăn so sản phẩm làm ra cung vượt gấp đôi cầu, phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập đang được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp (5%).
Quan trọng hơn, Posco cảnh báo: “Các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan đều đã xây dựng và áp dụng các hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn thép từ Việt Nam”.
Song Việt Nam chưa kịp làm việc này thì chỉ vài tháng sau đó, Ủy ban phòng vệ thương mại Indonesia (KPPI) khởi kiện điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn cán nguội của Việt Nam và 4 quốc gia khác xuất sang Indonesia.
Còn Hiệp hội tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan gửi thư bày tỏ thái độ cảnh báo nguy cơ có thể dẫn đến một vụ kiện phòng vệ thương mại do việc gia tăng đột biến xuất khẩu tôn mạ từ thị trường Việt Nam vào đây.
Ở vụ kiện thứ nhất, doanh nghiệp có sản phẩm xuất sang thị trường Indonesia nhiều nhất là Posco. Còn ở thư cảnh báo thứ hai thì Tôn Hoa Sen là doanh nghiệp có quyền lợi liên quan lớn nhất.
Posco không phải lần đầu tiên đối diện với các vụ kiện kiểu này. Năm 2012, tập đoàn sản xuất thép lớn của Hàn Quốc cũng bị Hiệp hội các nhà sản xuất thép ống của Hoa Kỳ khởi kiện về chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nội điạ.
Tuy nhiên, kết quả sau đó, các luật sư của Posco và luật sư của Công ty TNHH Hồng Nguyên (bị đơn thứ hai trong vụ kiện này) đã giúp hai doanh nghiệp này chứng minh việc không bán phá giá vào thị trường Mỹ và tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này với mức thuế 0%. Trong khi các bị đơn ở một số quốc gia khác cùng vụ kiện chịu mức thuế suất 28%.
Lại xoay thị trường khác:
Thị trường Indonesia không lớn như thị trường Hoa Kỳ và Posco cũng như một vài nhà sản xuất tôn cán nguội quy mô nhỏ hơn xuất khẩu vào đây cũng mới khai phá thị trường này nên có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp là chưa quá lớn. Song theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, việc xây dựng được một thị trường mới không hề đơn giản, kèm theo đó là tốn kém chi phí. Do vậy việc mất thị trường chắc chắn có ảnh hưởng đến đầu ra sản xuất của doanh nghiệp.
Một thông tin khác cho biết, KPPI cũng tỏ ra không hề nhân nhượng với các nhà xuất khẩu và không dễ thu xếp để đạt được kết quả tốt đẹp như vụ kiện ở thị trường Mỹ. Bằng chứng là hiện họ đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với thép xây dựng cán nguội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và một vài quốc gia khác ở mức thuế 36,6% khiến cho việc đưa hàng vào thị trường này trở nên bế tắc.
Điều quan trọng hơn là xuất khẩu hiện đang được xem như một cứu cánh đối với các nhà sản xuất thép, tôn cán nguội và tôn mạ màu trong nước do cung đã vượt cầu. Theo ông Nghi, công suất tôn cán nguội của các doanh nghiệp Việt Nam hiện trên 3 triệu tấn/ năm, trong khi năng lực tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 1,5 triệu đến 1,6 triệu tấn/năm nên con đường xuất khẩu là tất yếu để bù đắp chi phí, giảm thua lỗ.
Tương tự, công suất lắp đặt các nhà máy tôn mạ lớn hiện nay là 2,5 triệu tấn/năm nhưng tiêu thụ tại nội địa chỉ khoảng 1 triệu tấn/ năm. Thị trường xuất khẩu thuận lợi vài năm gần đây khiến cho doanh thu bán hàng và lợi nhuận của Tôn Hoa Sen tăng cao. Ngược lại, nếu gặp trục trặc gì như đã nêu trên thì ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Nghi, theo quan sát và phân tích của Hiệp hội thép Việt Nam thì Hiệp hội tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan đang có những động thái thiện chí hơn sau khi hiệp hội này qua trực tiếp khảo sát, trao đổi với các nhà sản xuất Việt Nam. Còn KPPI của Indonesia vẫn tiếp tục tỏ ra cứng rắn.
Ông Nghi nói các doanh nghiệp Việt Nam đang xúc tiến các thị trường mới khác để tìm thêm lối ra.Ví như thị trường Nam Phi, cửa ngõ vào Châu Phi là điểm đến được hiệp hội và các doanh nghiệp đang tìm cách thâm nhập.
Nguồn tin: TBKTSG Online