Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu thép

 Hàng loạt sản phẩm thép từ VN đã và đang bị nhiều nước điều tra cáo buộc bán phá giá khiến các doanh nghiệp thép VN càng thêm khốn khó khi mở rộng thị trường tiêu thụ.

 Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu thép
Các sản phẩm thép của VN đang đối diện nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại ở các nước - Ảnh: M.P

 Cuối tháng 12.2012, việc Indonesia áp thuế chống bán phá giá (CBPG) từ 13,5 - 36,6% khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thép vào thị trường này chuyển dần sang thị trường khác như Brazil. Thế nhưng đến cuối năm 2013, Brazil cũng công bố áp thuế CBPG 35,6% đối với thép cuộn cán nguội của VN.

Khốn khó ngành thép

Ước tính lượng thép cán nguội xuất khẩu vào Brazil đã giảm 15% so với trước đó. Đại diện Công ty thép SeAH Steel cho biết trong thời gian bị điều tra và chờ Mỹ áp thuế CBPG, sản lượng xuất khẩu đã giảm mạnh khiến công ty này phải chuyển hướng tìm các thị trường mới ở châu Á... Theo Hiệp hội Thép VN, đơn vị này đã từng nhận được thư từ Malaysia và Thái Lan cảnh báo tôn phủ kim loại và sơn phủ màu có nguy cơ bị kiện CBPG khi số lượng xuất khẩu từ VN vào hai nước này đang gia tăng. Ngay cả Indonesia cũng đã dùng biện pháp tự vệ bằng cách nâng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm tôn mạ vào nước này.

 
 

Cơ quan quản lý và hiệp hội cũng phải lường trước tình huống xấu nhất, trong trường hợp bị điều tra bán phá giá thì phản ứng ra sao và dự trù các phương án pháp lý để giành chiến thắng trong các vụ kiện. Thậm chí, có thể nghĩ tới biện pháp phòng vệ bằng cách kiện ngược lại sản phẩm của những nước đó vào thị trường VN

 

TS Hoàng Thọ Xuân

 

 

Tổng giám đốc một công ty thép tại TP.HCM cho rằng hiện nay các nước có xu hướng bảo hộ nền sản xuất trong nước thông qua các hàng rào thương mại. Đây là những trở ngại lớn cho các DN khi muốn xuất khẩu sản phẩm. Gay gắt hơn, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Sen - nhận xét việc điều tra của Indonesia đối với tôn lợp nhà nhập khẩu từ VN là việc bảo hộ thái quá, tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng và làm tổn hại đến mục tiêu tự do hóa thương mại trong khối ASEAN. Các động thái đó sẽ gây bất lợi cho DN và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tại các nước ASEAN nếu không có giải pháp đối phó tích cực.

Mất thị trường xuất khẩu ASEAN sẽ khiến cho nhiều DN thép nội càng trở nên khốn khó hơn bởi thị trường nội địa nhiều năm nay đã rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Cụ thể, công suất tôn cán nguội của các DN VN trên 3 triệu tấn/năm nhưng năng lực tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ bằng một nửa, khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Tương tự, công suất lắp đặt các nhà máy tôn mạ lớn hiện nay là 2,5 triệu tấn/năm nhưng tiêu thụ tại nội địa chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm... Đó là chưa kể các DN thép nội còn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan và với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại thị trường nội địa.

"Thủ" trên sân nhà

Theo Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Đậu Anh Tuấn, do cơ cấu xuất khẩu của VN có nhiều điểm tương đồng và áp lực từ việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình nên các quốc gia ASEAN đang có xu hướng tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước. Các DN cần chấp nhận xu thế thực tế này và chuẩn bị tốt những kỹ năng “sống chung với lũ”. Phải theo dõi chặt chẽ động thái của các nhà sản xuất nội địa ở nước xuất khẩu. Khi biết trước khả năng bị kiện thì DN có thể chủ động thương lượng với ngành sản xuất nội địa để họ không đưa mình vào danh sách kiện, hoặc là chuẩn bị trước mọi việc để kháng kiện hiệu quả. Hai là DN phải có sự cải cách, chuẩn hóa hệ thống kế toán, dữ liệu sản xuất kinh doanh để sử dụng chứng minh cho việc không bán phá giá.

 

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu thép 2
 Ảnh: D.Đ.M

 Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN Đỗ Duy Thái thừa nhận bản thân DN là người chủ động đối phó và tham gia vào các vụ kiện ở nước ngoài. Hiệp hội chỉ tham gia với tư cách đồng hành vì nhân sự không đủ. Tuy nhiên, DN cũng rất cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước. "VN nên xem xét áp dụng nhiều hơn hàng rào phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng không bị sử dụng hàng nhập khẩu kém chất lượng. Đồng thời chống gian lận thương mại để không gây thất thu cho ngân sách nhà nước và bảo vệ ngành sản xuất trong nước. “Thủ” ngay trên sân nhà sẽ có hiệu quả hơn là đi chống lại các vụ kiện bên ngoài" - ông Thái nói.

Chuyên gia thương mại Hoàng Thọ Xuân thì cho rằng vai trò của hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước trong các vụ kiện CBPG đối với sản phẩm VN còn rất mờ nhạt. Sự phối hợp của cơ quan nhà nước, hiệp hội với DN không chặt chẽ, không nhiệt tình, khiến DN luôn rơi vào thế bất lợi trong các vụ kiện. Chẳng hạn bị điều tra theo giá sản phẩm của nước thứ ba chỉ có lợi cho nguyên đơn. Để phòng tránh các vụ kiện, cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm một cách hoàn chỉnh để khi thị phần xuất khẩu tăng nhanh DN sẽ điều tiết lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Hiện tại, hệ thống cảnh báo sớm của Cục Quản lý cạnh tranh chỉ tập trung vào 5 thị trường EU, Mỹ, Canada, Úc và Brazil với 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN. “Cơ quan quản lý và hiệp hội cũng phải lường trước tình huống xấu nhất, trong trường hợp bị điều tra bán phá giá thì phản ứng ra sao và dự trù các phương án pháp lý để giành chiến thắng trong các vụ kiện. Thậm chí, có thể nghĩ tới biện pháp phòng vệ bằng cách kiện ngược lại sản phẩm của những nước đó vào thị trường VN”, TS Hoàng Thọ Xuân nói.

Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép lá mạ lên 20%

Theo nhiều DN sản xuất tôn thép, tình hình tiêu thụ thép trong nước hiện nay rất khó khăn do cung vượt cầu và lượng hàng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan liên tục tăng trong thời gian gần đây. Các DN trong nước  không thể cạnh tranh được với hàng giá rẻ nên tháng 5 vừa qua, nhóm 9 DN sản xuất thép trong nước đã đồng ký văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép lá mạ màu từ 0 - 5% lên mức 20%, bằng mức thuế nhập khẩu các sản phẩm thép mạ kẽm hoặc nhôm kẽm vì cùng nguồn gốc như nhau. Hơn nữa các sản phẩm này hiện năng lực sản xuất trong nước đã gấp 3 lần nhu cầu sử dụng.

 

Nguồn tin: Thanh niên

ĐỌC THÊM