Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguy cơ ống thép cuộn bị Mỹ kiện lần 2: Doanh nghiệp cần tích cực và chủ động ứng phó

DN từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể sẽ phải “hầu” kiện trong vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) của các DN Mỹ đối với các sản phẩm ống thép cuộn đến từ các quốc gia này. Đây không phải vụ kiện CBPG đầu tiên của Mỹ đối với thép NK từ Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, DN cần xác định tầm quan trọng của thị trường Mỹ và nếu quyết tâm theo kiện, cần có sự chuẩn bị tích cực và nghiêm túc nhất để có thể bảo vệ được thị trường XK.

Chiến đấu đến cùng

 

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9-2015, lượng sắt thép Việt Nam XK sang thị trường Mỹ đạt 66.109 tấn, kim ngạch XK đạt hơn 56 triệu USD.

 

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, 4 DN của ngành ống thép cuộn cacbon Mỹ vừa đệ đơn kiện CBPG tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC). Theo đó, Việt Nam có 3 DN nằm trong danh sách bị đơn trong vụ kiện này bao gồm Công ty TNHH Sujia Steel Pipe, Công ty TNHH Vietnam Pipe và Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam với biên độ phá giá Việt Nam bị cáo buộc rất cao, lên tới 103,83%.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công ty TNHH SeAH Việt Nam, một trong ba DN thép có tên trong đơn kiện lần này cho biết, DN “đã quen với việc bị kiện, bởi cứ XK nhiều là kiện”. Đây là lần thứ 4 sản phẩm của công ty bị Mỹ kiện CBPG. Vị này cũng cho biết, trong vụ kiện CBPG đầu tiên, Công ty SeAH đã thắng kiện, lý do có thể là thời gian đó số lượng ống thép của DN XK vào thị trường này còn ít, tuy nhiên, trong hai vụ kiện tiếp theo DN bị thua, trong đó, lần thứ 3 bị kiện CBPG, DN đã phải chịu mức thuế hơn 20%. DN phải chờ hai năm sau mới được kháng cáo. Trong thời gian này sản phẩm bị áp thuế không XK được vào thị trường Mỹ mà phải XK mặt hàng khác. Để bù doanh số cho mặt hàng bị CBPG, DN phải XK nhiều nên lại tiếp tục bị kiện.

Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh của DN, đại diện Công ty TNHH SeAH Việt Nam cho biết, hiện nay sản phẩm thép ống của DN tiêu thụ trong nội địa khoảng 25%, lượng lớn còn lại XK ra nước ngoài với các thị trường như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Bangladesh, Campuchia… trong đó thị trường Mỹ chiếm 50%. Mỗi tháng DN XK khoảng 10.000 tấn thép ống vào thị trường này, trung bình mỗi năm XK khoảng hơn 100.000 tấn.

“Chúng tôi làm ăn đàng hoàng, có lợi nhuận thật và lợi nhuận đó đến từ XK. Mỹ là thị trường XK chính nên khi bị kiện, DN sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Khi bắt đầu chiến lược XK, xác định XK là doanh thu chính của nhà máy nên chúng tôi đã chuẩn bị phương án để triển khai phòng vệ CBPG, ví dụ hệ thống quản trị DN, hồ sơ sổ sách… Lần này chúng tôi xác định nhiều khả năng sẽ thua kiện, vì hiện nay ở Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống, do đó người ta sẽ tìm mọi cách để lấy lòng DN, song chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu kiên cường”, đại diện công ty chia sẻ.

Khác với Công ty TNHH SeAH Việt Nam, Công ty TNHH Sujia Steel Pipe lại nằm trong trường hợp 3 năm nay không hề XK sang thị trường Mỹ, vì thế thông tin về giá thép của DN xuất vào Mỹ theo đại diện DN là thông tin cũ từ trước. Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Thành Phi Minh, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Sujia Steel Pipe cho biết công ty không quan tâm đến vụ kiện này.

Phòng vệ ngay từ đầu

Thép không phải là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, nhưng lại là một trong những ngành hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Lý giải cho điều này, trong cuộc tọa đàm về sử dụng hiệu quả các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại được tổ chức gần đây, ông Lê Sỹ Giảng, Trưởng nhóm Tư vấn phòng vệ thương mại, Công ty Luật SmiC cho biết, do thép là ngành công nghiệp cơ bản, có sản phẩm đa dạng, việc đầu tư lớn dẫn đến nhu cầu quay vòng vốn nhanh, việc thị trường đi xuống khiến các DN thép sẵn sàng bán dưới giá để thu hồi vốn. Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu để tiến hành khởi kiện đối với ngành thép tương đối dễ dàng, sẵn có. Cụ thể trong vụ kiện này, theo Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên đơn sẽ yêu cầu DOC áp dụng phương pháp CBPG đối với nền kinh tế phi thị trường với Việt Nam, tức là sử dụng các giá trị thay thế nước ngoài để xác định giá trị thông thường, từ đó tính toán biên độ phá giá. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các DN trong nước trong việc chứng minh sản phẩm XK không bán phá giá.

“Ăn, ngủ với chống bán phá giá” là chia sẻ của đại diện SeAH Việt Nam khi nói về những vất vả của quá trình theo kiện. Với lần thứ 4 đối mặt với các vụ kiện từ Mỹ, vị này cho biết mỗi lần theo kiện là một lần khó khăn gian khổ, bởi DN nào cũng có lúc vô tình sai sót, nhưng phía nguyên đơn lại cho là DN cố tình để áp thuế. “Hệ thống pháp luật của Mỹ rất chuyên nghiệp để bảo vệ các DN trong nước. Chưa kể, nhiều khi DN mình làm đúng nhưng hồ sơ lưu trữ không chứng minh được thì sẽ bị sai, bị thua. Vì thế, theo tôi khi xác định theo con đường XK thì ngay từ đầu hệ thống kế toán, lưu giữ hồ sơ phải làm tốt, rõ ràng, khoa học, để khi bị kiện CBPG thì hồ sơ đã có sẵn. Bên cạnh đó, các DN nên có đơn vị tư vấn về kiểm toán và pháp lý chuyên nghiệp để tư vấn cho hoạt động kinh doanh, phát hiện ra những sai sót và khắc phục ngay từ đầu”, đại diện Công ty SeAH Việt Nam khuyến nghị.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Chi Mai, Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: “Nếu DN xác định muốn bảo vệ quyền lợi của mình, muốn bảo vệ thị trường XK của mình thì hãy tham gia vào vụ kiện một cách đầy đủ, tích cực và chuẩn bị nguồn lực để theo đuổi vụ kiện này”. Cụ thể, phải cung cấp tài liệu đầy đủ, đúng thời hạn, hợp tác thiện chí với cơ quan điều tra. DN cũng cần phải có chiến lược để tham gia vụ kiện một cách nghiêm túc, quyết tâm trên tinh thần tham gia đến cùng thì mới có thể đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, luật pháp của Mỹ rất phức tạp, liên quan đến CBPG còn phức tạp hơn, vì thế để ứng phó tốt với vụ kiện này, theo bà Nguyễn Chi Mai, DN phải xác định tầm quan trọng của thị trường và nếu thị trường này là rất quan trọng thì kinh nghiệm cho thấy nên thuê luật sư để giải quyết tranh chấp. Quy trình điều tra thường diễn ra từ 12-18 tháng, khối lượng công việc rất lớn, vì thế nếu không thuê luật sư thì không phải lúc nào cũng đạt kết quả tốt, hậu quả là DN sẽ bị áp thuế cao, dẫn đến mất thị trường. 

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM