“Quý I này bừng bừng khí thế, tình hình thuận lợi hơn hẳn năm ngoái, không bị thiên tai, hạn hán, còn sự cố Formosa thì đã cơ bản khắc phục... Thiên thời địa lợi nhân hòa vậy mà sao tăng trưởng kinh tế vẫn thấp? Sao GDP chưa chịu tăng theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách, chiều 25/5.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra lo ngại trước việc kinh tế tăng trưởng chậm. Ảnh: Như Ý.
Giá dầu sụt giảm, đầu tư công ì ạch
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra lo ngại trước việc kinh tế tăng trưởng chậm. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, các nhận định đều nói kinh tế Việt Nam đang phục hồi, nhưng các chỉ tiêu lại sụt giảm. Tăng trưởng GDP năm 2016 không bằng 2015, còn quý I năm 2017 thì lại không bằng quý I năm 2016.
Đề cập đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ rất quyết tâm trình Quốc hội kế hoạch tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, không ngờ khai thác dầu khí giảm 3 triệu tấn vì giá thấp. Đồng thời do điện thoại Galaxy Note 7 gặp sự cố, chất đầy kho nên mất 1 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP. “Hai cái này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng quý I. Đây là nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần phân tích kỹ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chỉ ra một nguyên nhân khiến tăng trưởng thấp là do việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. “Thủ tục đầu tư công rất phức tạp, vòng lên, lại vòng xuống, rất mất thời gian”, Thủ tướng nói, đồng thời cho biết, vừa chủ trì phiên họp để lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu đưa ra kịch bản chính xác để tăng trưởng. Chính phủ cũng tính toán từng mặt hàng một, từng yếu tố, cấu phần tăng trưởng một để thúc đẩy tốt hơn. Ví dụ đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng, nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3,5%, du lịch phải tăng 30%, đặc biệt, sản xuất công nghiệp. Thủ tướng cũng cho biết, tháng 4 - 5 tình hình tăng trưởng tốt hơn quý I.
Tăng trưởng dựa vào đâu?
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, giá dầu thế giới thời gian qua liên tục giảm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách cũng như đóng góp cho việc tăng trưởng GDP. “Hiện nay giá dầu thô rơi vào khoảng 55- 56 USD/ thùng, nhưng giá khai thác của chúng ta lại đa phần ở mức trên 60 USD/ thùng. Nếu như chúng ta tiếp tục khai thác tức là chúng ta sẽ lỗ”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Chính phủ đang đặt ra mục tiêu rất cao cho ngành dầu khí là giảm chi phí khai thác. “Bằng mọi giá là nâng sản lượng khai thác lên nhưng phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh của giá dầu, chứ không phải bán bằng mọi giá. Chúng tôi sẽ phấn đấu trong năm nay sẽ tăng khai thác thêm 1 triệu tấn nữa”, Bộ trưởng Công Thương nói và cho rằng “không thể kỳ vọng khai thác dầu thô đem lại tăng trưởng như từ những năm 2016 trở về trước”.
Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng của ngành khai khoáng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị điều chỉnh một số loại thuế với mặt hàng than để tăng tính cạnh tranh của mặt hàng này. Lý do được vị tư lệnh ngành Công Thương đưa ra là câu chuyện “nghịch lý” ngành than khi năm 2016 vẫn phải nhập khẩu gần 10 triệu tấn trong khi than tồn kho của Tập đoàn Than khoáng sản vẫn lớn hơn con số này. Ông Tuấn Anh cho hay, hiện cơ cấu thuế phí của mỗi tấn than của ta khoảng 35% trong giá bán, còn các nước khác như Úc hay Indonesia chỉ một nửa (17%) khiến than trong nước không cạnh tranh được.
“Chúng tôi không chủ trương khai thác tài nguyên bằng mọi giá nhưng cần cơ chế phù hợp để công nghiệp khai khoáng đóng góp đáng kể, như để cho than sản xuất trong nước cùng mặt bằng cạnh tranh với các quốc gia, cả tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu”, Bộ trưởng Công Thương bày tỏ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ lo lắng mục tiêu tăng trưởng 6,7% khó đạt được. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, việc tăng sản lượng khai thác dầu khí, tăng khai thác khoáng sản, tăng việc chuyển quyền sử dụng đất… không phải là tăng trưởng.
Ngành Nông nghiệp phớt lờ cảnh báo
Đề cập đến vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ĐB Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) cho biết, các cơ quan chức năng đã bàn và có rất nhiều giải pháp nhưng việc thực hiện rất chậm, thành thử cứ tổ chức giải cứu hết đợt này đến đợt khác. “Thời gian qua chúng ta đã phải giải cứu thanh long, dưa hấu, thịt lợn, rồi liệu tới đây có phải “giải cứu” tiếp ớt, cà chua nữa hay không?”, bà Hồng nêu.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng bày tỏ băn khoăn: “Cách đây không lâu tôi có tiếp cận một tài liệu trong đó đề cập, thời gian qua chúng ta đã chi khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng nhập hoa quả. Như vậy có nghĩa là chúng ta thua ngay trên sân nhà. Nông nghiệp chúng ta cứ loay hoay thế này thì đến bao giờ mới khắc phục được tình trạng trên. Rất khổ cho bà con nông dân”.
Bàn chuyện “giải cứu”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc “giải cứu thịt lợn” là hệ quả đáng buồn của việc không quản lý tốt tổ chức sản xuất. “Ngay từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã cảnh báo ngành Nông nghiệp và các địa phương về việc tăng đàn trong khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó, còn xuất khẩu chính ngạch chưa thể mở cửa với Trung Quốc. Đây là hệ quả của công tác tổ chức sản xuất”, ông Tuấn Anh nói và cho biết ngành Công Thương đã gửi tổng cộng 11 văn bản nhắc nhở các địa phương, đồng thời cảnh báo trong các cuộc họp của Trung ương, Chính phủ.
Bổ nhiệm cán bộ: Đồ đệ thay trí tuệ?
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ sự lo lắng khi chất lượng cán bộ ngày càng có vấn đề. Đặc biệt là tình trạng “cả nhà làm quan”, “bổ nhiệm thân hữu” khiến bộ máy thiếu người tài. “Nếu trước đây người dân thường phản ánh thực trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu: Thứ nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và thứ tư là trí tuệ, thì giờ đây người ta lại nói là “đồ đệ” đã thay trí tuệ ở vị trí thứ tư” nên người tài không còn có cửa vào bộ máy”, ông Vân phản ánh. Trước đó báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng nêu 9 địa phương bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Nguồn tin: Tiền phong