Dù bị thôi chức Giám đốc nhưng Thịnh vẫn ký kết hợp đồng với các đối tác mua 2 lô thép rồi đem bán cho doanh nghiệp khác với giá rẻ hơn nhằm chiếm đoạt tiền.
Năm 2010, bị cáo Nguyễn Quang Thịnh (SN 1972, ở phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được bổ nhiệm là Giám đốc CTCP Xây dựng và Phát triển công nghệ Thành Nam.
Đến ngày 12/9/2011, tại ĐHCĐ quyết định thay đổi Giám đốc là ông Nguyễn Văn Trang, còn ông Thịnh giữ chức Phó giám đốc (tỷ lệ góp vốn là 2,5%).
Bị cáo tại Tòa
Thời điểm này, Công ty không có nhu cầu thanh lý sắt thép nhưng Thịnh gặp ông Lê Hồng Khanh - Giám đốc CTCP Sản xuất bê tông CK để chào mời mua thép. Thịnh lấy lý do một số công trình bị tạm dừng thi công nên cần thanh lý 2 lô thép. Mỗi lô khoảng 50-60 tấn, giá 14.000 đồng/kg. Thấy giá thấp, ông Khanh đồng ý mua.
Để có hàng bán, Thịnh gặp ông Cao Xuân Định - Giám đốc Chi nhánh CTCP Matexim Hải Phòng tại Hà Nội nói có nhu cầu mua thép xây dựng chủng loại D16 và D18 phục vụ công trình ở Vĩnh Tuy - Hà Nội.
Tin tưởng là bán thép cho Công ty Thành Nam, ngày 11/9/2011, nhân viên của Công ty Matexim đến gặp Thịnh tại Công ty Thành Nam. Hai bên thống nhất nội dung hợp đồng và báo giá. Thịnh chỉ định nơi giao hàng là Công ty CK, đơn giá 18.350 đồng/kg.
Thực hiện theo đúng hợp đồng, Công ty Matexim giao số hàng 51.060 kg thép, trị giá hơn 936,9 triệu đồng. Nhận đủ số thép trên, Công ty CK đã chuyển lại cho Thịnh số tiền 714,8 triệu đồng.
Với cách thức trên, ngày 3/10/2011, Thịnh tiếp tục lấy danh nghĩa Giám đốc Công ty Thành Nam chào hàng lô sắt thép, số lượng 63.635kg cho ông Khanh. Lần này, Thịnh lấy hàng của CTCP Thép Delta. Với lô hàng này, Công ty CK đã chuyển cho Thịnh số tiền 882,7 triệu đồng.
Tổng số tiền Thịnh đã chiếm đoạt của ông Khanh gần 1,6 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Công ty Matexim và Delta đã nhận lại 2 lô thép trên.
Cựu giám đốc Công ty Thành Nam có lời khai cho rằng, khi ký hợp đồng lấy tư cách pháp nhân nhưng lúc thanh toán là cá nhân. Tuy nhiên, lời khai trên không có chứng cứ chứng minh.
Nhân viên công ty Matexim Hải Phòng cho biết, quá trình thương thảo đến phòng bị cáo Thịnh, thấy biển ghi danh Thịnh là giám đốc. Vì tin tưởng công ty thuộc tập đoàn lớn nên không nghi ngờ.
Về số tiền chiếm đoạt, Thịnh khai đầu tư vào dự án khai thác cát tại huyện Đan Phượng. Khi đó, đối tác giục đưa tiền để lấy được giấy phép nhanh nên bị cáo làm liều.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Thịnh bỏ trốn sang Nga. Năm 2016, đối tượng đến Cục di trú - Liên bang Nga xin được trục xuất về Việt Nam. Ngày 17/6/2016, Thịnh ra cơ quan điều tra đầu thú.
Tại tòa, bị hại cũng mong muốn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Ngày 26/12, TAND TP Hà Nội xử phạt Thịnh mức án 12 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguồn tin: ĐTCK