Nhà đầu cơ tiếp tục đặt cược vào xu hướng giá lên đối với hàng hóa trước khi có các dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ công châu Âu đang nghiêm trọng hơn và kinh tế Trung Quốc chững lại.
Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, các quỹ quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ở 18 hàng hóa kỳ hạn và quyền chọn thêm 9,5% trong tuần đến ngày 22/5, lên 675.362 hợp đồng. Đặt cược vào giá nông sản tăng tăng tới 21% - nhiều nhất kể từ tháng 2.
Tuy nhiên, đặt cược này rõ ràng đã sai xu hướng và các nhà đầu cơ có thể phải gánh chịu hậu quả không nhỏ. Chỉ số S&P GSCI theo dõi 24 mặt hàng nguyên liệu thô tuần qua sụt giảm tuần thứ 4 liên tiếp và chạm mức thấp nhất 5 tháng, trong đó riêng các mặt hàng nông sản có tuần giảm tồi tệ nhất trong vòng 8 tháng.
Chỉ số GSCI tuần qua giảm 1,4% và mất tổng cộng 9,4% trong tháng 5, hướng tới tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Chỉ số GSCI theo dõi riêng các hàng hóa nông sản giảm với tốc độ lớn gấp hơn 3 lần so với chỉ số chung, ở mức 4,8%
Trong số 24 mặt hàng nguyên liệu thô thì có tới 22 hàng hóa sụt giảm tuần trước. Giá ngô dẫn đầu danh sách khi để mất 9% - tuần giảm nhiều nhất trong vòng 1 năm qua, còn ca cao giảm 7,2% với tuần hạ sâu nhất trong năm 2012.
Đồng euro rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010 trong ngày 25/5 sau khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của 5 ngân hàng lớn của Tây Ban Nha và châu Âu đã chuẩn bị kịch bản trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Các ngân hàng cho vay lớn nhất của Trung Quốc trong khi đó có thể phải hạ mục tiêu cho vay lần đầu tiên trong 7 năm vì kinh tế chững lại.
Trong một báo cáo phát đi tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhận định, rủi ro của khủng hoảng châu Âu ngày càng lớn và đang phá hủy kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu của EPFR Global, tuần qua nhà đầu tư đã rút 1,18 tỷ USD khỏi các quỹ hàng hóa – tuần thứ 5 liên tiếp chứng kiến dòng tiền tháo chạy khỏi hàng hóa. Dòng tiền rút khỏi các quỹ kim loại quý chiếm 631,7 triệu USD – tuần giảm nhiều nhất trong năm nay.
Nguồn tin:TTXN