Các doanh nghiệp VN thua trong lĩnh vực này chẳng phải vì không nhận diện được tiềm năng mà vì thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm
Được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, năm 2009, cánh cửa của thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ sẽ được mở hoàn toàn đối với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO của VN. Đến thời điểm này, mặt bằng bán lẻ vẫn đang trong tình trạng đặc biệt khan hiếm nên đầu tư vào BĐS bán lẻ, văn phòng cho thuê đang “hốt bạc”. Tuy nhiên, các DN trong nước lại đang yếu thế trước các DN nước ngoài trong cuộc đua “xí phần” phân khúc thị trường này.
Lấn át toàn diện
Trong khoảng 10 dự án trung tâm thương mại lớn đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm nay và 2 – 3 năm tới, có khoảng 2/3 là dự án đầu tư và quản lý của các DN nước ngoài.
Chỉ cách trung tâm TPHCM khoảng 7 phút chạy ô tô, khu phức hợp Royal Centre dự kiến sẽ được hoàn thành vào quý IV năm nay, gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê... nằm tại một vị trí khá đắc địa. Chủ đầu tư của dự án này là Fei – Yueh, một DN của Đài Loan. Paujar, một DN Đài Loan khác, cũng đang đầu tư vào khu thương mại Saigon Palace, nằm trên đường Lê Đại Hành, quận 11. Dự án này đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2009.
Kumho, một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, đã bỏ ra 225 triệu USD đầu tư khu phức hợp Kumho Asiana Plaza (trong đó có 6.880 m2 dành cho trung tâm thương mại), dự kiến sẽ hoạt động vào quý IV/2009, tại quận 1; dự án Platinum Plaza do Tập đoàn WCT Engineering Berhad (Malaysia) đầu tư 67% vốn cũng đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều dự án khác của các nhà đầu tư ngoại, như: Saigon Financial Centre tại quận 10, chủ đầu tư là Tập đoàn Berjaya (Malaysia); Saigon Sports City (trong đó có khoảng 80.000 m2 sàn cho thuê) của Công ty Đầu tư BĐS Keppel Land Ltd (Singapore) và Công ty Chiap Hua Group (Hồng Kông) đầu tư...
Không chỉ chiếm lĩnh các vị trí đẹp, các nhà đầu tư ngoại còn lấn át về số lượng dự án, nguồn cung trong tương lai. Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý BĐS CB Richard Ellis (CBRE) VN, từ nay đến hết năm 2009, nguồn cung thị trường này có thêm khoảng 179.000 m2. Trong khi đó, ước tính 2/3 trong số này đã thuộc về “túi” các nhà đầu tư ngoại. Nếu tính xa hơn, từ nay đến năm 2012, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 550.000 m2 sàn cho thuê, thì nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 500.000 m2.
Mất ưu thế nhưng còn cơ hội
Dù đây là một lĩnh vực béo bở nhưng các DN VN chỉ đóng góp một vài dự án, không thấm tháp gì so với nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng -Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng không phải các DN BĐS VN không nhận ra đây là một phân khúc nhiều tiềm năng, mà do lâu nay họ vẫn luẩn quẩn quanh phân khúc thị trường căn hộ cao cấp. Trong khi đó, đầu tư vào thị trường BĐS bán lẻ đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất lớn, nguồn tài chính vững chắc. Các DN VN thì thiếu hầu hết các điều kiện trên. “Nếu liên kết lại, chắc chắn họ có thể làm được. Nhưng đáng tiếc, các DN ở ta thường có tâm lý thích “ăn” một mình, ít chịu liên kết, chia sẻ lợi nhuận. Vì thế, họ chỉ dừng lại ở những dự án nhỏ, chưa có tầm”- ông Sơn nhận định.
Dù mất ưu thế nhưng cơ hội khai thác thị trường BĐS bán lẻ vẫn còn rất lớn, thị phần vẫn còn khá “đầy đặn”. Vì thế, các DN trong nước vào cuộc lúc này vẫn chưa muộn.
NLĐ