“Vinashin đã đóng những con tàu có trọng tải đến 15 vạn tấn, và sẽ hơn thế. Không thể nhập khẩu thép tấm khổ rộng theo kiểu “ăn đong” được ! Phải tự mình chủ động sản xuất vật tư đầu vào !” - Tổng GĐ Cty CP Thép Cửu Long Vinashin - Nguyễn Tuấn Dương quả quyết như vậy.
Và nhà máy cán thép nóng, thép tấm Cái Lân với công suất lên đến 1 triệu tấn /năm đã ra đời tại Quảng Ninh, với công suất và trình độ hiện đại... do chính Vinashin tự đầu tư, lắp đặt.
Nội lực...
Với tổng mức vốn đầu tư giai đoạn I là 2.300 tỷ VND, sản lượng thép tấm là 500.000 tấn/năm. Trên diện tích Dự án là 15 ha, hàng ngàn tấn thiết bị, máy móc được nhập về như: thiết bị lò nung, máy cán thép, máy nắn, sàn nguội, máy cắt chiều dài... Đặc biệt, đây là nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại như: khí nóng từ lò nung thay vì được thải trực tiếp ra môi trường thì được tận dụng đưa vào nhà máy nhiệt điện có công suất 40 MW, đồng thời việc vận hành lò nung, máy cán được tự động hoá hoàn toàn. Nước thải được xử lý, lọc, sau đó tuần hoàn trở lại làm mát...
Dự án được thực hiện từ năm 2002, đến cuối năm 2008 nhà thầu Trung Quốc không thể “kham” nổi do khó klhăn về kỹ thuật, kinh tế... Họ đành “thua cuộc” và bàn giao trả lại Vinashin. Có câu nói: “đan đi không tày dặm lại”, đúng vậy ! Lúc này Ban lãnh đạo Vinashin ở vào tình thế rất khó, nếu tiếp tục thuê nhà thầu khác thì có thể rất đắt, hoặc họ phải mò mẫm, khảo sát lại, do vậy thi công sẽ rất lâu và tốn kém...
Tập đoàn giao cho Cty Thép Cửu Long – Vinashin bằng mọi cách phát huy mọi nguồn lực sẵn có, xây lắp hoàn thành hết các hạng mục Dự án đến hết tháng 6/2009. Vốn là đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề cán thép, Cty Thép Cửu Long - Vinashin đã tổ chức một lực lượng kỹ sư, cán bộ, công nhân “tinh nhuệ” nhất “vào cuộc”. Thực ra, với cách thu hút nhân tài theo kiểu “chiêu hiền, đãi sĩ”, và do vậy đã hội tụ được đông đảo đội ngũ lao động tay nghề giỏi từ mọi miền đất nước.
Suốt ngày lăn xả vào công trường, TGĐ – Nguyễn Tuấn Dương chỉ đạo đến từng chi tiết kỹ thuật. Lắp ráp theo kiểu “cuốn chiếu”, làm đến đâu được đấy, chắc chắn, khoa học và hiệu quả. Và thật bất ngờ, chỉ chưa đầy 1 năm... hoàn thiện một nhà máy cán thép tấm khổ rộng lớn nhất, hiện đại nhất Nam Á, mẻ cán đầu tiên ra lò vào ngày 2/6/2010.
Vì ngày mai
Theo lãnh đạo của nhà máy thì: hiện nay Việt Nam đang phải phụ thuộc nguồn cung thép từ các “đối thủ” với ta trong ngành đóng tàu, việc phụ thuộc này hoàn toàn không có lợi trong cạnh tranh thị trường. Do vậy, sự chủ động sản xuất thép tấm khổ lớn, độ dài tuỳ ý (thép tấm chiếm 80% khối lượng; 20 -25 % giá thành con tàu, tiết kiệm khoảng 100 – 150 USD/tấn so với nhập khẩu). Dự kliến năm 2015 ngành đóng tàu của ta sẽ tiêu thụ 2,5 triệu tấn thép tấm/năm, khi đó Vinashin tiếp tục phải đầu tư xây dựng mới các nhà máy cán thép để đáp ứng nhu cầu.
Với thép tấm sản xuất tại Cái Lân có độ dày từ 6 – 50 mm; chiều rộng từ 1.600 – 3.000 mm; chiều dài từ 6 – 18 m, đạt tiêu chuẩn quốc tế như: DNV (Na Uy), Lloyds (Đức), NK (Nhật), ABS (Mỹ)... thì có thể đóng được tàu trọng tải tới 15.000 tấn. Đóng tàu tới 30.000 tấn cần thép tấm khổ rộng 3,25 m; dày tới 70 mm, nhà máy vẫn đáp ứng.
Tại nhà máy cán thép Cái Lân, sau khi đạt công suất 500 ngàn tấn thép tấm/năm vào cuối năm 2010, Vinashin sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn II, nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Điều đáng nói ở đây là tính hiệu quả của Dự án, khi nâng công suất từ 500.000 tấn/năm lên 1 triệu tấn/năm chỉ cần đầu tư thêm 400 tỷ VND mà không cần lãng phí đất mở rộng dự án. Đây là bài toán hay về tính hiệu quả trong tiết kiệm tài chính, tài nguyên và môi trường. Như vậy, nhà máy chỉ cần đầu tư 1 đường công nghệ (1 lai) như: lắp 1 lò nung phôi 100 tấn/giờ; 1 lò nhiên liệu khí hóa than; hệ thống làm mát; sàn làm nguội là đã có công suất tăng gấp đôi.