Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhà máy thép nghìn tỷ chìm theo Vinashin

Lúc nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân Vinashin (Hạ Long, Quảng Ninh) đi vào hoàn thiện ngành đóng tàu kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn, đáng tiếc là hành trình ra biển lớn vừa được khởi động đã "chìm".

Sau 3 tháng hoạt động, đến tháng 9/2010, Vinashin “vỡ trận” và cũng vì thế Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân (Cty cán nóng thép Cái Lân) buộc phải dừng đốt lò, khối tải sản hơn 3.300 tỷ đồng “đắp chiếu” kể từ đó đến nay.


Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân có vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng đang hoang phế theo thời gian, khó có cơ may phục hồi sản xuất.

Nhà máy nguội lạnh, hoang tàn

Lối vào Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân là con đường lầy lội, đất đá cùng những bụi cỏ lau mọc um tùm, cao hơn đầu người. Trong khu vực nhà máy là toàn bộ giàn máy nặng hàng chục ngàn tấn được nhập từ Trung Quốc công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm. Một dây chuyền có năng lực cán nóng thép tấm độ dày từ 5 đến 50 mm, khổ rộng 1,6 - 3 m, dài 6 - 18 m, đạt tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế như DNV (Na Uy), ABS (Hoa Kỳ)… nằm phủ bụi, hoen ố trong một nhà xưởng rộng mênh mông, lạnh ngắt đến đáng sợ.

Trước đó, cơn bão lớn giữa năm 2012 đổ vào Quảng Ninh đã cuốn tung nhiều lớp mái nhà xưởng. Rồi phải mãi tới cuối năm 2014, Nhà máy mới lợp lại được mái nhờ vào kinh phí từ việc cho thuê một phần kho không sử dụng. Qua 2 năm nằm phơi nắng, mưa các thiết bị càng hoen gỉ và hư hỏng nặng.

Dẫn tôi đi quanh Nhà mày, liên tục xoa những lớp bụi phủ dày trên hệ thống máy móc ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy bồi hồi kể lại: Trong giai đoạn chạy thử từ tháng 6 - 8/2010, dây chuyền này đã cán được 5.000 tấn thép với kết quả đạt chất lượng theo phương pháp thử ASTM của Hoa Kỳ.

Đã có 3.000 tấn thép thành phẩm được Nhà máy xuất ra nước ngoài, 2.000 tấn thép tấm còn lại vì nhiều lý do vẫn chất đống ở góc xưởng, nay đã bị hoen gỉ toàn bộ bề mặt. Đám thành phẩm này giờ hư hỏng tới mức không một cơ quan đăng kiểm nào cho phép đưa vào đóng tàu, nên chỉ còn nước đưa đi nấu lại. “Tuy nhiên, xử lý thế nào, bán với giá nào giờ không thuộc quyền của Nhà máy, mà là của các tổ chức tín dụng” - ông Văn chua xót nói.

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường”

Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra từ rất lâu để giải cứu Cty cán nóng thép Cái Lân nhưng đến nay Nhà máy vẫn rơi vào bế tắc. Theo đề án tái cơ cấu Tổng cty Công nghiệp tàu thủy đã được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thì Cty thép Cái Lân thuộc diện đơn vị nằm trong nhóm: Giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…

 

Tuy nhiên, theo ông Văn, với phương án bán cả Cty thì chắc chắn không có người mua kể cả bán với giá “0 đồng”, vì con số nợ tài chính của Cty thép Cái Lân là rất lớn (riêng phần lãi vay đã chiếm đến hơn 30% số nợ).

Hơn nữa, máy móc thiết bị của nhà máy để lâu năm không sử dụng nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Thực tế từ năm 2011 đến nay, TCty đã giới thiệu với rất nhiều đối tác nước ngoài để chào bán Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân. Một số đơn vị cũng quan tâm và đã tiến hành khảo sát song đều không mua. Đến nay, việc bán coi như không thành công.

Theo ông Văn, mấu chốt ở đây là giá tôn cán nóng trên thị trường rất thấp, chủ yếu là do nguồn tôn giá rẻ từ Trung Quốc. Ví dụ như giá thép thành phẩm của Trung Quốc bán ra thị trường rơi vào khoảng 7.400/1kg. Còn tại nhà máy, chỉ riêng việc nhập phôi về sản xuất giá đã cao hơn thép tấm bán bên ngoài. Do đó khó có người nào lại mạo hiểm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mua lại nhà máy rồi sau đó vận hành trong điều kiện kinh doanh bán hàng chưa chắc đã có lãi.

“Chúng tôi thực sự lo lắng khi hàng ngày phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép được đầu tư hiện đại nhất khu vực. Nhiều chi tiết bị hỏng, đặc biệt là nước biển ngấm đã làm hỏng hệ thống thủy lực chìm. Cứ như này thì chẳng lâu nữa 16 nghìn tấn trang thiết bị trị giá 3.300 tỷ đồng sẽ chỉ còn là đống sắt vụn” - một bảo vệ nhà mày xót xa than thở.

Nhà máy 3.300 tỷ sẽ “nóng” trở lại và sinh ra nhiều nghìn tỷ khác hay sẽ là đống sắt vụn bỏ đi lãng phí? Bài toán đang cần các nhà quản lý vào cuộc và giải đáp.

Nguồn tin: ANTT

ĐỌC THÊM