Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhà sản xuất thép Trung Quốc "thủng túi" vì giá thép lao dốc

 Những nỗ lực nhanh chóng và kiên quyết của chính phủ Trung Quốc nhằm kìm hãm đà tăng "phi mã" của giá thép khiến bong bóng trên thị trường vật liệu này bắt đầu "xì hơi" trong những ngày gần đây.

Trong khi nhiều nhà sản xuất thép đang "nếm trái đắng", giới chuyên gia phân tích khẳng định có thể mất nhiều tháng để thị trường thép trở lại bình thường.

"Chuyến tàu lượn" của giá thép

Thị trường thép của Trung Quốc được cho là đã trải qua một "chuyến tàu lượn" kể từ đầu tháng 5 đến nay.

Giá các sản phẩm thép tăng hơn 1.600 Nhân dân tệ (250 USD) mỗi tấn trong vòng 2 tuần lên cao chưa từng thấy trong phiên 12/5. Diễn biến này đã thu hút sự chú ý của những quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc. Phản ứng của Bắc Kinh lên tới đỉnh điểm vào ngày 24/5 khi Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định cần phải tránh chuyển tác động của việc giá hàng hóa tăng chuyển sang cho người tiêu dùng. Cuối tuần trước, Bắc Kinh cũng đã triệu tập đại diện của các doanh nghiệp sản xuất quặng sắt, thép, nhôm và đồng để cảnh cáo sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi đầu cơ đẩy giá vật liệu lên cao.

Giá thép sau đó lao dốc về lại mức trước ngày 1/5.

Đầu tuần này, giá phôi thép xuất xưởng tại thành phố Đường Sơn, Trung Quốc, giảm 14,7% xuống 4.920 Nhân dân tệ/tấn từ mức cao kỷ lục 5.770 Nhân dân tệ/tấn được ghi nhận vào ngày 12/5.

Giá thép cây xuất kho tại Thượng Hải cũng giảm 18,6% trong cùng kỳ xuống 4.900 Nhân dân tệ/tấn, thấp hơn cả giá phôi thép ở Đường Sơn. Ngoài ra, giá thép cuộn cán nóng xuất tại Thượng Hải giảm 19,3% xuống 5.450 Nhân dân tệ/tấn.

Giá tiếp tục giảm sâu trong những ngày tiếp theo trước khi phục hồi nhẹ vào phiên 27/5, với giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên Sở giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải lần lượt tăng 0,2% và 0,5%. Giá thép không gỉ tăng 1,3%.

Nhà máy sản xuất thua lỗ chồng chất

Tại Xiaobali - khu chợ ở phía bắc thành phố Đường Sơn, nơi tập trung hơn 400 nhà bán buôn các sản phẩm thép - có khoảng 10 chiếc xe tải đang đỗ rải rác vào ngày 25/5. Hình ảnh này trái ngược với một tuần trước đó, khi giá thép lên cao nhất hơn 10 năm, khu chợ này chật kín đủ loại người, từ công ty trung gian, thương nhân giao dịch hàng hóa tương lai tới các nhà sản xuất.

"Khu chợ vốn rộng rãi khi đó lại vô cùng nhộn nhịp. Các thương nhân rôm rả trả giá để đạt được thỏa thuận, xe tải ở khắp nơi đang bốc dỡ những tấm thép lớn. Khu chợ ấy chật tới nỗi ngay cả một chiếc xe máy cũng phải vật lộn mãi với vào được", các thương buôn địa phương kể lại.

Đối với nhiều doanh nghiệp ở Đường Sơn chuyển sản xuất và buôn bán thép mạ thiếc, mức lợi nhuận ở những thời điểm bình thường là 20 - 30 Nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, theo ông Jia Dongyue - Giám đốc của Rongde Steel - việc giá thép tăng lên gần 6.000 Nhân dân tệ đẩy lợi nhuận của công ty ông lên 1.000 Nhân dân tệ/tấn.

Nhiều thương gia mô tả tình trạng này là "điên rồ" và "hiếm có" trong 10 năm qua. Họ thậm chí thừa nhận có sự đầu cơ đằng sau đà tăng đó. Thậm chí vào lúc cao điểm của thị trường là giữa tháng 5, khi giá thép chạm kỷ lục hơn 6.000 Nhân dân tệ/tấn, hơn một nửa xe tải thu mua thép từ chợ Xiaobali là của công ty trung gian và các nhà sản xuất thép khác, chứ không phải là của nhà sản xuất ở hạ nguồn, Jia cho hay. Một số công ty làm trong lĩnh vực hạ tầng thậm chí phải hủy đơn hàng vì giá tiền vượt quá ngân sách.

Tuy nhiên, đến thời điểm giá bắt đầu giảm mạnh là ngày 24/5, biên lợi nhuận của một số nhà máy thép cây đã giảm về 0, một thương nhân ở miền đông Trung Quốc cho biết. Trong khi đó, theo tính toán của Argus, các nhà máy khác ghi nhận biên lợi nhuận giảm xuống 280 Nhân dân tệ/tấn từ mức 670 Nhân dân tệ/tấn hồi đầu tháng 5. Đó là chưa kể giá thép còn tiếp tục giảm trong vài ngày sau đó.

Các thương nhân ở chợ Xiaobali cũng cho biết lợi nhuận của họ giảm mạnh sau khi giá thép lao dốc. Một số cho biết mức giảm lớn đến nỗi họ mất hoàn toàn số lợi nhuận kiếm được từ đầu năm đến nay chỉ trong 2 tuần qua.

"Chúng tôi đang lỗ tới 1.300 Nhân dân tệ/tấn và nếu giá không phục hồi sớm, công ty sẽ lỗ hơn 1,4 triệu Nhân dân tệ trước khi bán hết hàng trong kho", ông Yang Jin - Giám đốc của Xinjinfeng Steel Company - nói với Global Times.

Tại một khu chợ buôn thép ở Thượng Hải, các thương nhân cũng đang hối hả bán phá giá mạnh lượng hàng đã tích trữ trước đó, nhưng có rất ít người mua.

"Công việc kinh doanh những ngày này thật sự khó khăn. Ngày 10/5, tôi mua 1.500 tấn thép với mức giá cao ngất ngưởng và nếu tôi bán chúng với giá thị trường hiện nay, tôi sẽ lỗ 1,68 triệu Nhân dân tệ chỉ trong vòng 2 tuần. Tôi có thể mua được 2 ngôi nhà ở quê với số tiền đó đấy", ông Zheng Weiwei - một thương nhân thép đến từ tỉnh Phúc Kiến - chia sẻ.

Trước khi chính phủ Trung Quốc có động thái kìm giá, ông Zheng kiếm được 500 Nhân dân tệ trên mỗi tấn thép bán ra, nhiều đối thủ kinh doanh của ông thậm chí lãi hàng triệu Nhân dân tệ. Còn bây giờ, ông lỗ 1.400 Nhân dân tệ/tấn.

Ông Zheng cho biết tồn kho của ông khá nhỏ so với một số cửa hàng khác, nơi có thể đang trữ tới hơn 40.000 - 50.000 tấn thép. Mặc dù đã giảm giá, họ vẫn khó bán được hàng tồn kho vào thời điểm hiện tại, theo ông Zheng.

"Ngay khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu thị trường giữ ổn định giá, mọi người đổ xô bán nhanh hàng, khiến giá xuống thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp hạ nguồn đang cố đợi giá xuống sâu hơn trước khi đặt đơn hàng mới", ông Zheng nói.

Theo một thương nhân thép tại Thượng Hải, thị trường đang trở nên thất thường trong thời gian gần đây. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến việc giá thép tăng "phi mã" rồi lại lao dốc chỉ trong chưa đầy một tháng. Vì vậy, thời gian tới đây, tôi sẽ duy trì tồn kho ở mức tương đối thấp", người này cho hay.

Ông Wang Ji - Giám đốc của Tangshan Xunzhuo Steel Trading Company chuyên xuất khẩu thép sang Đông Nam Á và châu Phi - nói với Global Times rằng, giá thép sẽ bước vào một giai đoạn bình ổn trong quý III và IV năm nay.

"Bước đầu tiên là phải đảm bảo các nhà sản xuất trong nước được tái tiếp cận với các sản phẩm thép với mức giá hợp lý và không để họ sụp đổ do chi phí đầu vào cao và nguồn vốn cạn kiệt", ông Wang nói.

Nguồn tin: Dân trí

ĐỌC THÊM